Xe buýt đã kiếm được tiền tỉ
Với những gì đang diễn ra, số tiền quảng cáo trên toàn bộ số xe buýt ở TP HCM sẽ lên hơn trăm tỉ đồng.

Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải cũng cho rằng việc quảng cáo ngoài thân xe không chỉ nâng cao sự hài lòng, thu hút nhiều người đi mà còn giúp xe buýt trở nên đẹp hơn, khi di chuyển trên các tuyến đường tạo ra sự sinh động, mới mẻ. Chưa kể, diện tích quảng cáo phủ một phần kính xe (làm bằng chất liệu decal), với đặc tính lọt sáng một chiều, giúp hành khách từ trong xe dễ dàng nhìn ra ngoài và hạn chế tình trạng nắng nóng, ngột ngạt trong xe. Còn đối với những doanh nghiệp là đối tác quảng cáo, hình thức quảng cáo sản phẩm trên xe buýt đã phát huy tác dụng rõ rệt khi truyền tải thông điệp một cách rõ ràng và nhanh chóng.
Theo một số doanh nghiệp được chỉ định quảng cáo, khi bắt đầu thực hiện thí điểm, đơn vị cũng tự giác nâng cao trách nhiệm hơn trong việc giữ vệ sinh trên xe buýt nhằm để những hình ảnh quảng cáo được đẹp và luôn mới.
Không làm nhanh là phí
Trước thực trạng xe buýt đã “hái” ra tiền, Sở GTVT vừa trình UBND TP đề án mở rộng quảng cáo trên xe buýt. “Nếu đề án được chấp thuận, toàn bộ số xe buýt có trợ giá còn lại (1.986 xe) sẽ được triển khai quảng cáo và ước tính thu về hơn 113 tỉ đồng mỗi năm” - ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, nói.
Theo ông Minh, cơ sở để tổ chức đấu giá sẽ được áp dụng đơn giá cho thuê quảng cáo ở từng nhóm phương tiện đã được thẩm định và phê duyệt qua thời gian thực hiện thí điểm. Hiện có 3 nhóm phương tiện, gồm: nhóm 1 là loại xe 40 chỗ; nhóm 2 là loại 55 chỗ và 60 chỗ; nhóm 3 là loại 80 chỗ. Nguồn thu từ quảng cáo trên thân các xe buýt có trợ giá sau khi trừ chi phí tư vấn đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách TP. Riêng đối với các tuyến xe không trợ giá, nguồn thu từ quảng cáo, chủ phương tiện sẽ được hưởng trọn vẹn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải có thu nhập bổ sung để sửa chữa phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT, vướng mắc hiện nay trong đề án mở rộng là việc quản lý còn thiếu sự đồng bộ, nhiều phương tiện đã xuống cấp khiến việc lên thiết kế quảng cáo và thi công gặp khó khăn. Chưa kể, nhiều phương tiện đang trong quá trình sửa chữa, gây gián đoạn cho việc thực hiện các hợp đồng quảng cáo.
Ông Lê Hoàng Minh cho rằng giải pháp để khắc phục những khó khăn trên, trước mắt, các đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để có thông tin kịp thời về quá trình hoạt động của các tuyến xe đang thực hiện quảng cáo; đồng thời, việc thay mới phương tiện cũng phải thực hiện nhanh. Về giải pháp lâu dài, ông Minh cho rằng cần một bộ phận chuyên quản lý, giám sát hoạt động quảng cáo trên thân xe. “Đây cũng là chủ trương của UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét việc tập trung vào một đầu mối nhằm quản lý cả về mặt giá quảng cáo” - ông Minh thông tin.
Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên (chuyên gia kinh tế đô thị - cán bộ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Chính sách quốc gia Trường ĐH KHXH&NV TP HCM), việc triển khai quảng cáo trên thân xe buýt là hoàn toàn phù hợp do ngoài mang lại nguồn thu cho ngân sách TP thì còn có thể thu hút người dân đi xe. “Không làm nhanh, làm đồng loạt thì quá phí!” - ông Nguyên nói.
Tuy nhiên, để có hiệu quả lâu dài, TS Nguyên cho rằng giữa các đơn vị quản lý xe buýt và doanh nghiệp quảng cáo phải có sự điều chỉnh cân bằng, phù hợp thực tế. “Quảng cáo rẻ sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng ít hiệu quả cho các đơn vị vận tải và ngược lại, khi giá quảng cáo quá cao thì không thu hút được doanh nghiệp quảng cáo. Do đó, các đơn vị cũng cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này” - TS Nguyên lưu ý.
Theo Gia Minh Người lao động