World Bank: Nông nghiệp Việt Nam cần “tăng giá trị, giảm đầu vào”
Các chuyên gia World Bank cho rằng nông nghiệp Việt Nam phải tạo thêm giá trị kinh tế - nâng cao phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng - nhưng sử dụng ít tài nguyên, nhân công và đầu vào trung gian độc hại hơn.
Ngân hàng thế giới World Bank (WB) vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam với chủ đề: Chuyển đổi nông nghiệp của Việt Nam, tăng giá trị giảm đầu vào.
Theo WB, Nông nghiệp Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong một phần tư thế kỷ qua và quốc gia đã được bình chọn làm ‘câu chuyện thành công’ về an ninh lương thực.
"Những tiến triển về thâm canh và đẩy mạnh năng suất lúa của hộ nông dân nhỏ trong thập kỷ 1990 và sau đó đã góp phần quan trọng đem lại thành công cho Việt Nam về xóa đói, giảm nghèo và ổn định xã hội. Từ một quốc gia bị thiếu đói, sản lượng lương thực bình quân theo đầu người của Việt Nam hiện đã đứng ở mức cao trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình.
Nhờ vào hệ thống thủy lợi bao phủ diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn, Việt Nam chưa từng gặp tình trạng biến động lớn về sản lượng lương thực như ở các quốc gia khác. Đơn giá sản xuất thấp và tổng dư cung ở mức lớn đã góp phần bình ổn giá tiêu dùng cho mặt hàng lương thực chủ đạo của quốc gia. Nhiều quốc gia đang tìm cách học tập thành công của Việt Nam về an ninh lương thực.", báo cáo của WB viết.
[caption id="attachment_43932" align="aligncenter" width="700"]
Ngân hàng thế giới cho biết, cũng trong giai đoạn trên, Việt Nam bất ngờ nổi lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản quốc tế. Kết quả về quy mô và phạm vi thương mại đều hết sức ấn tượng. Kim ngạch thương mại của bảy mặt hàng (hoặc nhóm mặt hàng) nông sản khác nhau của Việt Nam đến nay đã đạt trên 1 tỷ $, đưa quốc gia vào nhóm năm quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên toàn cầu ở mỗi mặt hàng.
Tuy nhiên, WB nhận định rằng thành tích về hiệu quả, phúc lợi nông dân và chất lượng sản phẩm của Việt Nam chưa được ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản. "Việt Nam còn thua kém các quốc gia trong khu vực nếu xét về năng suất sử dụng nước, lao động và đất nông nghiệp.", WB đánh giá.
Hầu hết nông sản của Việt Nam đều được bán dưới dạng thương phẩm thô, với giá thường thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh hàng đầu do thua kém về chất lượng và các nguyên nhân khác. Nông sản thô giá rẻ của Việt Nam thường được pha trộn với mặt hàng của các quốc gia khác để tạo ra thành phẩm được bán dưới các thương hiệu quốc tế.
Điều nghịch lý là mặc dù ẩm thực Việt Nam đang trở nên ngày càng hấp dẫn ở các quốc gia thu nhập cao, nhưng hầu hết thành phần và thực phẩm do người Việt Nam cung cấp lại chưa được người tiêu dùng biết đến, một phần do quan niệm về rủi ro an toàn thực phẩm và/hoặc môi trường. Hiện tượng này cũng diễn ra ngay tại sân nhà, với những quan ngại ngày càng tăng về sự an toàn của vật nuôi, cây trồng, trà, các đồ uống và thực phẩm sản xuất trong nước khác.
WB cho rằng nông nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước ngã ba đường. Ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng nhiều trong nước - với các đô thị, công nghiệp và dịch vụ - về lao động, đất đai và nước.
Chi phí lao động tăng bắt đầu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành, với lợi thế sản xuất chi phí thấp các mặt hàng nông sản đại trà. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đã giảm - từ 4,5% mỗi năm giai đoạn 1994 - 2000 xuống 3,3% giai đoạn 2001 - 2007, và 2,6% giai đoạn 2008 - 2013.
Theo WB, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam cần “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Nghĩa là phải tạo thêm giá trị kinh tế - nâng cao phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng - nhưng sử dụng ít tài nguyên, nhân công và đầu vào trung gian độc hại hơn. Tăng trưởng sẽ chủ yếu dựa trên nâng cao hiệu suất, đổi mới sáng tạo, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (ARP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2014 đã chỉ rõ các hướng chuyển đổi chiến lược đó. Đề án đề ra ba mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế, xã hội và bền vững về môi trường. Đề án định hướng cho sự thay đổi về vai trò và xu hướng chi tiêu của Chính phủ trong ngành đồng thời bàn về nhu cầu phải phối hợp chặt chẽ hơn với các bên liên quan khác, bao gồm cả khu vực tư nhân.
Theo Linh Lam Người đồng hành