Vinaconex sẽ thoái 41% vốn tại Vimeco, ghi lãi 200 tỷ từ dự án Splendora năm 2018

Vinaconex sẽ tiếp tục triển khai lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp và thực hiện và ghi nhận lợi nhuận từ các dự án triển khai.

Tại buổi Roadshow “Giới thiệu cơ hội đầu tư vào Tổng CTCP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG, Vinaconex)”, Tổng Giám đốc của VCG, ông Vũ Trọng Quỳnh đã có những chia sẻ về tình hình Công ty.

Liên quan đến việc thực hiện đề án tái cấu trúc doanh nghiệp, VCG vẫn đang triển khai theo lộ trình đặt ra. VCG sẽ thành lập 2 công ty con sở hữu 100% vốn gồm Công ty Xây dựng Vinaconex và Công ty Đầu tư Vinaconex là 2 “tháp” chính của Tổng công ty.

Theo ông Quỳnh, từ 01/12, toàn bộ các dự án sẽ được tập trung về 2 tháp doanh nghiệp trên, vì thế các đơn vị thành viên khác sẽ chỉ giữ vai trò “vệ tinh” mà không trực tiếp đóng góp hiệu quả nhiều vào VCG. Vì vậy việc tái cấu trúc hầu như không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Song song đó, VCG sẽ thoái vốn tại các đơn vị không thuộc chủ trương giữ lại và giải thể hoặc phá sản các đơn vị yếu kém.

Hiện nay, VCG đang thực hiện bán vốn tại một số doanh nghiệp, trong đó có Vimeco, Viwasupco… Ông Quỳnh cho biết, VCG dự kiến sẽ thoái 41% vốn tại CTCP Vimeco, giảm sở hữu xuống còn 10%. Tuy nhiên, hiện VCG vẫn đang trong quá trình bàn bạc và định giá. Nên, những chi tiết cụ thể vẫn chưa thể công bố rõ ràng.

Vừa qua, VCG cũng đã thông báo sẽ tiến hành đấu giá rao bán 21,79% vốn của CTCP nước sạch Vinaconex (UPoM: VCW, Viwasupco).

Ước doanh thu từ Splendora đạt 2.000 tỷ đồng/năm

Về hoạt động kinh doanh, VCG đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận giai đoạn 2017-2021, tăng trưởng bình quân 10-15%/năm, tỷ lệ cổ tức khoảng 10-12%.

Hiện nay, VCG vẫn đang tiếp tục triển khai một số dự án, trong đó có dự án Bắc Anh Khánh (Splendora).

Tính đến cuối tháng 9/2017, VCG đang có gần 773 tỷ đồng khoản phải thu với Liên doanh An Khánh.

Ông Quỳnh cho biết, VCG sẽ không thoái vốn tại dự án này mà sẽ tiếp tục phối hợp cùng liên danh mới (sau khi POSCO thoái vốn) để thực hiện tiếp. Công ty sẽ sử dụng khoản lợi nhuận của dự án Splendora để dần cấn trừ vào khoản phải thu đối với Liên doanh An Khánh- pháp nhân liên doanh thực hiện dự án.

Năm 2018, ông Quỳnh cho biết, dự án Splendora sẽ mang về doanh thu khoảng gần 1.200 tỷ đồng và lãi thuần 430 tỷ đồng, trừ các chi phí có thể lãi khoảng 200 tỷ đồng.

Đến năm 2020, theo chủ quan của VCG, doanh thu của dự án có thể đạt khoảng 2.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận 500 tỷ đồng/năm. Con số chính xác sẽ được xác lập khi tìm đối tác mới liên doanh thực hiện dự án.

Liên quan đến khoản phải thu khác từ CTCP Xi măng Cẩm Phả, VCG cho biết vẫn đang trong quá trình thu hồi và diễn ra đúng lộ trình thậm chí còn sớm hơn kế hoạch.

Công ty Xây dựng Vinaconex (VCG sở hữu 100% vốn) sẽ có vốn điều lệ dự kiến từ 300 tỷ đồng và tăng dần lên đến 1.000 tỷ đồng theo lộ trình. Dự kiến, doanh thu đến năm 2021 sẽ đạt 8.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 165 tỷ đồng với tỷ lệ lợi nhuận/vốn trên 21%.

Công ty Đầu tư Vinaconex (VCG cũng sở hữu 100% vốn) tập trung chính vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản và các lĩnh vực mà hiện VCG có hiệu quả cao như năng lượng (thủy điện), đầu tư phát triển hạ tầng, giáo dục... Quy mô vốn điều lệ của công ty dự kiến từ 300 tỷ đồng và tăng dần lên 2.000 tỷ đồng theo lộ trình. Sản lượng đầu tư đến năm 2021 dự kiến đạt 11.870 tỷ đồng, doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng với lợi nhuận 500 tỷ đồng.

Ngày 8/12/2017 SCIC sẽ tổ chức đấu giá chào bán 21,72% cổ phần (tương đương 96,2 triệu cổ phiếu) tại Vinaconex. Giá khởi điểm sẽ được công bố từ ngày 28/11-7/12. Thương vụ do CTCP chứng khoán Sài Gòn SSI tư vấn.

Theo Phan Tùng - NDH

Tags:

Giá vàng hạ nhiệt: Cơ hội hay rủi ro?

Sau thỏa thuận Mỹ - Trung, giá vàng thế giới bước vào chu kỳ điều chỉnh ngắn hạn, trong khi thị trường vàng Việt Nam vẫn chịu áp lực chênh lệch cao, đòi hỏi nhà đầu tư cân nhắc chiến lược thận trọng.

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Video