Vì sao doanh nghiệp giảm vay ngoại tệ?

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, trong 2 tháng gần đây, dư nợ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn có xu hướng giảm do nhiều doanh nghiệp tranh thủ trả nợ như một cách giảm thiểu rủi ro tỷ giá.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tính đến hết tháng 10, dư nợ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đạt hơn 192.036 tỷ đồng (quy đổi) giảm hơn 1.870 tỷ đồng so với tháng 9/2022 và giảm 10.335 tỷ đồng so với tháng 8.

Số liệu thống kê cũng ghi nhận doanh số mua bán ngoại tệ của các tổ chức kinh tế trong mấy tháng gần đây tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM cũng giảm, trong đó tháng 10 doanh số mua ngoại tệ giảm 2,2% so với tháng 9 và giảm 17,4% so với tháng 8/2022; doanh số bán ngoại tệ tháng 10 giảm 12,4% so với tháng 9 và giảm 22% so với tháng 8/2022.

Vì sao doanh nghiệp giảm vay ngoại tệ? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp giảm vay ngoại tệ

Chính phủ chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế, chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay, sang mua - bán ngoại tệ. Theo Thông tư 42, từ 1/10/2019 việc cho vay ngoại tệ chỉ còn thực hiện dưới dạng cho vay ngắn hạn, không cho vay trung dài hạn. Trong đó, bốn nhóm khách hàng được phép vay vốn ngắn hạn, gồm cho vay để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ để thực hiện sản xuất kinh doanh; cho vay đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức hàng năm; vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước cho hoạt động sản xuất xuất khẩu; cho vay đầu tư ra nước ngoài.

Như vậy, trong cho vay ngoại tệ hiện ngân hàng chỉ còn cấp các khoản vay ngắn hạn, phổ biến ở các kỳ hạn 3 và 6 tháng, mỗi ngân hàng lại có những sản phẩm tín dụng phù hợp, như VietinBank có thế mạnh về cho vay đầu tư trồng cây công nghiệp như cao su, gạo, hạt điều… Vietcombank cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ hải sản… Hay như Agribank cho vay ngoại tệ lãi suất ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các khu công nghiệp - khu chế xuất.

Sacombank cho vay ngoại tệ đối với các công ty làm hàng xuất khẩu theo phương thức L/C (thanh toán bằng thư tín dụng hoặc tín dụng thư). Phương thức này cũng được nhiều ngân hàng sử dụng đối với doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo khoản vay. Các ngân hàng còn đưa ra rất nhiều sản phẩm cho vay ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thu mua, sản xuất chế biến hải sản…

Thực tế cho thấy khi được vay ngoại tệ , doanh nghiệp có thêm điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu. Hiện ngân hàng cung cấp đa dạng các loại ngoại tệ cho khách hàng lựa chọn khi vay ngoại tệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng tiền các nước có nhiều biến động như hiện nay, các ngân hàng khuyến khích khách hàng ký kết thêm hợp đồng phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Theo Uyên Phương (Tiền phong)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video