Thép Việt Nam: Thêm một gánh nặng!
Trong xu hướng hợp tác và hội nhập quốc tế, Liên bang Nga là một thị trường tiềm năng cho nhiều hàng hóa của Việt Nam nhờ ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEC) nhưng đối với mặt hàn thép của Việt Nam thì đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
[caption id="attachment_10223" align="aligncenter" width="700"]
Trao đổi với báo chí về tương lai của ngành thép trong thời gian tới, ông Trịnh Văn Hoàn – Trợ lý Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam chia sẻ, thép Việt Nam đang chịu sức ép khá lớn từ thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc đặc biệt là sự cạnh tranh không lành mạnh của nhiều doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đang khiến nhiều DN thép Việt Nam điêu đứng.
Tuy nhiên, trước Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EAEC đã được ký kết được đánh giá là mang lại nhiều cơ hội “ngoại tiến” cho hàng hóa của Việt Nam thì ông Hoàn lại không mấy lạc quan về vấn đề này.
“Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết với Liên minh kinh tế Á – Âu mà đặc biệt là Nga bên cạnh việc mang đến những cơ hội thì cũng có nhiều ảnh hưởng đặc biệt là ngành thép”, ông Hoàn bày tỏ. Bởi theo ông, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu thép chủ yếu từ các nước như Nga và Ukraine từ thép tấm cán nguội, thép tấm cán nóng (những loại thép có chất lượng cao) đến thành phầm, nguyên liệu dùng cho sản xuất như là than cốc. Chính vì vậy, khi Hiệp định được ký kết, những ưu đãi về thuế quan sẽ là những nhân tố mang lại những thuận lợi lớn cho DN thép khi nhập khẩu từ Nga.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì DN thép Việt Nam đang hầu như sản xuất thép xây dựng với chất lượng không cao khi so với nhiều nước trong khu vực và đặc biệt là Nga nên chính vì vậy, khi giá thành rẻ hơn nhờ huế quan được cắt giảm, DN thép Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với những DN Nga ngay tại sân nhà.
Bàn về vấn đề này, ông Hoàn cho biết, nhiều DN Việt Nam cũng đang rất trăn trở và mong muốn thay đổi để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bản thân ông Hoàn cũng như Hiệp hội thép cũng đã khẳng định, các DN thép phải đổi mới và biến đổi mạnh mẽ để có thể cạnh tranh kịp với các DN nước ngoài.
Trong nhiều cuộc giao thương, gặp gỡ của các DN Nga với DN Việt Nam, các lĩnh vực mà DN Nga chú trọng và mong muốn hợp tác cũng như đầu tư lại chủ yếu xoay quanh các ngành nghề như cơ khí, hóa dầu, cơ khí, chế tạo, năng lượng tái tạo, máy móc, ngành công nghiệp công nghệ cao mà lại không mấy “bận tâm” đến ngành thép.
Ông Hoàn cũng cho rằng, “tính đến thời điểm này, cũng không có những DN thép uy tín và nổi tiếng của Nga có mong muốn hợp tác và đầu tư vào ngành thép Việt Nam mà chỉ chủ yếu là các ngành nghề như cơ khí, chế tạo…”
Với thị trường Nga, một đất nước “mạnh” về cơ khí, chế tạo và công nghiệp nặng thì mặt hàng thép là một trong những yếu tố then chốt và là thế mạnh của Nga. Thật đáng lo ngại cho ngành thép Việt Nam lại không trở thành nhân tố được quan tâm và thu hút được các DN đến từ Nga.
Với mục đích phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh đã và đang được Chính phủ tích cực chú trọng và xem xét phát triển. Với những công trình về đường xá và hạ tầng đô thị, thép đóng vai trò quan trọng mà ai cũng biết. Nếu Việt Nam vẫn đặt mình trong trạng thái đi nhập khẩu những loại thép chất lượng cao dùng trong xây dựng các công trình lớn, mang tầm cỡ quốc gia thì gánh nặng về ngân sách Nhà nước phải chi trả quả thực là một con số không nhỏ.
Đối với các mặt hàng và lĩnh vực khác như nông sản, dệt may, cơ khí…, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EAEC có thể là nhân tố thúc đẩy “một cuộc phát triển mạnh mẽ” nhưng đối với ngành thép Việt Nam thì đây lại tiếp tục là một gánh nặng dành cho ngành nghề vốn được đánh giá là “ăn xổi và yếu ớt”.
Theo Congluan.vn