Kinh tế ổn định, kỳ vọng lạm phát 2025 “về đích” dưới 4%

Lạm phát trung bình năm 2025 được dự báo ở mức 3,4% nếu Nhà nước không điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và giáo dục. Trường hợp kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, lạm phát có thể chỉ ở mức 3%.

Đây là những dự báo đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng năm 2025 và dự báo cả năm 2025” do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 9/7 tại Hà Nội.

Các chuyên gia dự báo lạm phát 2025 vẫn trong tầm kiểm soát.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi mạnh mẽ khởi đầu từ quý II/2024. Tăng trưởng GDP quý II/2025 đạt 7,96% so với cùng kỳ, đưa mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên 7,52% – mức cao nhất kể từ năm 2011.

Điểm nổi bật là tăng trưởng năm nay không dựa vào xuất khẩu như năm trước mà được dẫn dắt bởi tiêu dùng nội địa (tăng 7,95%) và đầu tư (tăng 7,98%). Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sức mua phục hồi và niềm tin vào môi trường đầu tư gia tăng.

Đáng chú ý, hơn 152.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm tăng thêm 538.100 người và thu nhập bình quân cũng ghi nhận mức tăng 10,1%.

PGS.TS Tùng đánh giá, sự khởi sắc này là kết quả của chính sách tài khóa mở rộng như miễn, giảm thuế, đẩy mạnh đầu tư công, cùng với chính sách tiền tệ linh hoạt, hạ lãi suất, nới hạn mức tín dụng, điều hành tỷ giá hợp lý.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, yếu tố then chốt giúp kiểm soát lạm phát thành công trong 6 tháng đầu năm 2025 chính là sự phối hợp linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, giữ ổn định lãi suất điều hành từ cuối năm 2023, đảm bảo chi phí vốn hợp lý, không tạo sốc tín dụng. Đồng thời, vẫn duy trì lãi suất thực dương nhằm ổn định kỳ vọng lạm phát.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính triển khai chính sách tài khóa có mục tiêu rõ ràng, không gây áp lực cầu kéo quá mức. Việc giữ ổn định các loại thuế, phí chủ chốt như thuế VAT, thuế xăng dầu, phí môi trường góp phần ổn định giá cả hàng hóa thiết yếu.

Giá cả được quản lý theo hướng minh bạch, có lộ trình rõ ràng, giúp ngăn ngừa kỳ vọng lạm phát lan tỏa. Nhờ đó, lạm phát nửa đầu năm 2025 tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo dư địa tích cực cho điều hành nửa cuối năm.

Dự báo lạm phát 2025 vẫn trong tầm kiểm soát

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra dự báo CPI bình quân cả năm 2025 nhiều khả năng ở mức 3,4%. Nếu kịch bản căng thẳng thương mại toàn cầu kéo dài làm giảm mạnh giá hàng hóa cơ bản, CPI có thể xuống mức 3%, đánh dấu năm thứ 11 liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Dựa trên giả định CPI 6 tháng cuối năm tăng trung bình 0,27%/tháng, tương đương mức trung bình giai đoạn 2015–2024 thì áp lực lạm phát vẫn trong biên độ an toàn.

Dù vậy, TS. Độ lưu ý vẫn cần theo dõi sát các yếu tố có thể đẩy giá tăng, như tỷ giá USD/VND đã tăng khá mạnh trong nửa đầu năm, cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa, hay việc điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình “tính đúng, tính đủ”.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng, áp lực lạm phát nửa cuối năm không lớn, song cần thận trọng trước các yếu tố tiềm ẩn từ bên ngoài. Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, trong thời gian tới, bức tranh kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ kém khởi sắc, chủ yếu do những căng thẳng thương mại leo thang dưới tác động của chính sách thuế quan từ Mỹ. Đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới dự kiến sẽ tạo ra những lực cản đáng kể đối với hoạt động xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam. Ở trong nước, các yếu tố nội tại cũng đang tạo áp lực nhất định lên mặt bằng giá. Đáng chú ý, tốc độ tăng của cung tiền và tỷ giá trong nửa đầu năm 2025 diễn ra khá nhanh, tiềm ẩn nguy cơ đẩy chi phí đầu vào tăng cao và làm gia tăng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm.

Trong khi đó, mặt bằng giá hàng hóa cơ bản vẫn chịu tác động từ biến động địa chính trị và chu kỳ suy thoái kinh tế. TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại dự báo CPI bình quân 2025 có thể tăng từ 3,8% -4,2%.

Như vậy, để giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát trong khoảng 4,0–4,5% như Quốc hội đề ra, các chuyên gia cho rằn, cần tiếp tục đồng bộ các giải pháp như: duy trì điều hành tiền tệ linh hoạt, ổn định tỷ giá, kiểm soát giá xăng dầu, tăng tốc giải ngân đầu tư công và đặc biệt là tăng minh bạch thông tin, truyền thông chính sách nhất quán để củng cố kỳ vọng thị trường.

Bên cạnh đó, chính sách an sinh xã hội và phúc lợi cũng cần được cân nhắc trong tổng thể điều hành giá. Việc miễn học phí toàn quốc từ năm học 2025–2026 cho học sinh mầm non đến THPT là một yếu tố giúp giảm áp lực chi tiêu hộ gia đình, góp phần kiềm chế CPI trong dài hạn.

Từ các ý kiến trên, có thể thấy, Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vào khả năng giữ vững kiểm soát lạm phát trong năm 2025. Đây là tiền đề quan trọng để củng cố niềm tin thị trường, thúc đẩy đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, những động lực then chốt để giữ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn.

Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Siết chất lượng trên sàn thương mại điện tử: Việc cần làm ngay trước khi mất niềm tin

Trong nhiều năm bùng nổ, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn lớn, với ưu tiên hàng đầu là mở rộng quy mô, tăng trưởng doanh số và thu hút càng nhiều người bán càng tốt. Tuy nhiên, mặt trái của cuộc đua đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan, làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng là thứ tài sản quý giá nhất với thương mại điện tử.

Cà phê đột phá, xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng tăng 15,5% so cùng kỳ

Với điểm sáng nổi bật là ngành hàng cà phê, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024. Nếu duy trì được đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, dự báo cả năm có thể đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này là 65-70 tỷ USD.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025

Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế - xã hội của TP Hà Nội phát triển tích cực, công tác quy hoạch - hạ tầng có bước tiến rõ rệt. Đây là nền tảng quan trọng để Thủ đô bước vào 6 tháng cuối năm với quyết tâm cao độ, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trở lên trong năm 2025.

Mở rộng không gian, tăng tốc phát triển cho vùng cực Nam Tổ quốc

Việc hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực bứt phá cho vùng cực Nam Tổ quốc. Cà Mau (mới) đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến thủy sản, hướng tới trở thành trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.

Video