Miền núi Quảng Ngãi đổi thay nhờ sâm Ngọc Linh và cà phê xứ lạnh
![]() |
Tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ là thủ phủ dược liệu của cả nước, trong đó có các vùng chuyên trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: Thanh Tuấn |
Các xã phía tây tỉnh Quảng Ngãi mới có địa hình chủ yếu là đồi núi, là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài việc tập trung phát triển du lịch tại Măng Đen, Sa Thầy, Kon Tum, chính quyền địa phương còn xác định việc mở rộng diện tích trồng cà phê xứ lạnh và sâm Ngọc Linh là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho người dân.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, các xã như Măng Ri, Ngọc Linh, Đăk Plô… đã trồng được khoảng 2.922 ha sâm Ngọc Linh, đạt 65% mục tiêu mà Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.
Từ đầu năm 2025 đến nay, các xã miền núi cũng đã trồng mới 161,3 ha cà phê xứ lạnh Arabica. UBND tỉnh đặt mục tiêu trồng mới 1.000 ha cà phê xứ lạnh, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên hơn 5.000 ha.
![]() |
Thu hoạch cà phê xứ lạnh ở Măng Đen. Ảnh: Thanh Tuấn |
Nhiều năm qua, việc trồng cây sâm Ngọc Linh đã giúp gần 2.000 hộ dân ở miền núi thoát nghèo. Nhiều gia đình nhờ trồng sâm và liên kết với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm đã cải thiện thu nhập và từng bước vươn lên làm giàu.
Để đối phó với tình trạng sâm giả, sâm không rõ nguồn gốc làm ảnh hưởng đến thương hiệu thủ phủ sâm Ngọc Linh, tỉnh đã bố trí hơn 13 tỉ đồng để đầu tư hệ thống thiết bị phân tích ADN cùng các thiết bị kiểm định thành phần sâm.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cũng phân công cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, trồng và chăm sóc cà phê xứ lạnh.
Việc trồng cà phê xứ lạnh mang lại nguồn thu nhập ổn định và cao hơn so với cà phê truyền thống, hướng tới phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.