Từ cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump: Thời điểm vàng để Việt Nam tận dụng cơ hội
![]() |
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long |
Theo công bố chính thức, tại điện đàm, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc hai đoàn đàm phán của hai nước đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ về khuôn khổ Hiệp định Thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng. Đáng chú ý, Tổng thống Donald Trump khẳng định Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.
Trong khi đó, Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Hoa Kỳ, trong đó xe ô tô phân khối lớn. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao.
Mở cửa thị trường - tạo thế cân bằng
Cam kết giảm thuế đối ứng của Hoa Kỳ có thể tạo ra tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam - vốn đang chịu sức ép lớn từ các hàng rào kỹ thuật và chính sách phòng vệ thương mại của Mỹ. Trong 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 53,7 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng vẫn chịu mức thuế từ 10 - 25%, đặc biệt trong các lĩnh vực gỗ, dệt may, thủy sản và điện tử tiêu dùng. Theo tính toán sơ bộ, nếu mức thuế đối ứng giảm trung bình từ 20% xuống 10%, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ có thể tăng thêm từ 8 - 10 tỷ USD mỗi năm, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng của Mỹ phục hồi mạnh sau đại dịch và các gói kích thích kinh tế của chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ mới.
Một điểm đột phá quan trọng là Việt Nam đồng thuận mở cửa thị trường cho các dòng sản phẩm chiến lược của Hoa Kỳ. Đây là “cái bắt tay đôi bên cùng có lợi”, khi Việt Nam hướng tới công nghiệp hóa theo chiều sâu, còn Hoa Kỳ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghệ tiên tiến trong một nền kinh tế năng động 100 triệu dân. Không dừng lại ở thuế quan, việc gỡ bỏ các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm định và cấp phép - vốn là những chướng ngại vô hình nhưng đầy sức nặng trong chuỗi thương mại quốc tế. Đây chính là yếu tố cốt lõi để bảo đảm hiệu lực thực tế cho các cam kết trên giấy tờ.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc điện đàm đã thẳng thắn đề xuất Hoa Kỳ bỏ các giới hạn xuất khẩu một số mặt hàng công nghệ cao đối với Việt Nam. Có thể kể đến các mặt hàng như chip bán dẫn, thiết bị mạng 5G, vật liệu mới và công nghệ AI... Đây là các lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt ưu tiên phát triển trong Chiến lược chuyển đổi số quốc gia và Đề án “Make in Vietnam”. Nếu được hiện thực hóa, Việt Nam sẽ có cơ hội trở thành một trong những trung tâm lắp ráp và thiết kế bán dẫn tại Đông Nam Á - lĩnh vực được định giá toàn cầu đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 (theo McKinsey).
Nâng cao năng lực thực thi của hệ thống pháp luật
Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào danh sách “nền kinh tế phi thị trường” khiến các doanh nghiệp Việt thường xuyên bị áp thuế cao trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm nêu trực tiếp đề xuất công nhận “nền kinh tế thị trường” là đề nghị quan trọng để Việt Nam thoát khỏi định danh bất lợi này.
![]() |
Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2020 - 2024, Việt Nam đã phải đối mặt với hơn 50 vụ kiện phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ, chiếm tới 25% tổng số vụ kiện mà Việt Nam bị nước ngoài điều tra. Việc được công nhận “nền kinh tế thị trường” sẽ giúp rút ngắn quy trình điều tra, giảm chi phí và tạo môi trường công bằng cho doanh nghiệp Việt.
Để phù hợp với cam kết đối ứng, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan đến tiếp cận thị trường, cạnh tranh, minh bạch tài khóa và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đây chính là những điều kiện then chốt để nâng cao năng lực thực thi của hệ thống pháp luật và tạo niềm tin cho đối tác chiến lược Hoa Kỳ.
Việc mở cửa thị trường cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý về an toàn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, lao động và môi trường - những tiêu chuẩn đang ngày càng khắt khe tại thị trường Mỹ. Đây chính là động lực để Việt Nam không chỉ “xuất khẩu hàng hóa” mà còn “xuất khẩu niềm tin pháp lý”.
Và một điểm đáng chú ý là cam kết thúc đẩy các cơ chế hợp tác về pháp lý, trọng tài thương mại và xử lý tranh chấp. Điều này mở ra cơ hội nâng cao quan hệ song phương không chỉ ở góc độ thương mại mà cả ở trụ cột luật pháp - thể chế. Tăng cường trao đổi pháp lý giữa các cơ quan kiểm toán, tư pháp, tài chính hai nước sẽ tạo nền tảng cho một hành lang pháp lý minh bạch, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp hai bên - đặc biệt trong bối cảnh đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Có thể nói, cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không chỉ là một dấu mốc ngoại giao, mà còn là thời điểm vàng để Việt Nam tận dụng cơ hội đẩy mạnh cải cách thể chế, pháp luật, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và hội nhập sâu hơn vào trật tự thương mại quốc tế. Cam kết giảm thuế đối ứng, mở cửa thị trường, hợp tác công nghệ và cải cách thể chế là những trụ cột mới của quan hệ Việt - Mỹ trong giai đoạn chiến lược toàn diện. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là lời hiệu triệu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy sẵn sàng cho một sân chơi lớn hơn, minh bạch hơn và cạnh tranh hơn - nơi mà pháp luật, năng lực công nghệ và khả năng thích ứng thị trường sẽ là “chìa khóa” thành công.
Đang cụ thể hóa nội dung điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump
Ngày 3/7, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về mức thuế đối ứng từ 20 - 40% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm tối 2/7.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng thông tin, đoàn đàm phán Việt Nam và Mỹ đang phối hợp trao đổi để cụ thể hóa nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bà Hằng cho biết, tại cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ song phương, trong đó có nội dung về thương mại đối ứng.
“Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao sự quan tâm của Tổng thống Donald Trump đối với Việt Nam và quan hệ giữa hai nước. Thông tin chính thức về cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được báo chí đăng tải đầy đủ”, bà Hằng nói. H.Dung