Chia hộ kinh doanh để quản lý thuế: Cần lộ trình áp dụng phù hợp
Bộ Tài chính đang đưa Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) ra lấy ý kiến rộng rãi, trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý tại lần sửa đổi này là xóa bỏ thuế khoán từ ngày 01/01/2026 và thay thế bằng cơ chế phân nhóm hộ kinh doanh theo doanh thu.
![]() |
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là xóa bỏ thuế khoán từ ngày 01/01/2026 và thay thế bằng cơ chế phân nhóm hộ kinh doanh theo doanh thu - Ảnh minh họa: ITN |
Theo cơ quan soạn thảo, đây là bước đi thực hiện theo Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giảm chênh lệch nghĩa vụ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Cụ thể, Dự thảo Luật (sửa đổi) đề xuất chia hộ, cá nhân kinh doanh thành 4 nhóm doanh thu để áp dụng phương pháp quản lý phù hợp với từng quy mô: Nhóm 1 - dự kiến sẽ gồm các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế, tức dưới 200 triệu đồng/năm, áp dụng từ 2026;
Nhóm 2 - các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm; Nhóm 3 - các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu 1 - 3 tỷ đồng/năm và lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu 1 - 10 tỷ đồng/năm; Nhóm 4 - các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 10 tỷ đồng.
![]() |
Đây được cho là giải pháp đúng hướng trong công tác quản lý thuế, tuy nhiên, cần có lộ trình áp dụng phù hợp - Ảnh minh họa: ITN |
Theo Dự thảo, nhóm 1 và nhóm 2 sẽ được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử và chỉ cần ghi chép thu chi theo mẫu kế toán đơn giản do Bộ Tài chính cung cấp. Nhóm 2 sẽ có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền từ năm 2027–2028.
Trong khi đó, nhóm 3 và nhóm 4 sẽ bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền khi bán hàng, cung cấp dịch vụ. Nhóm 3 dự kiến áp dụng kế toán đơn giản, còn nhóm 4 sẽ thực hiện chế độ kế toán như doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhìn nhận về nội dung Dự thảo đề xuất, không ít ý kiến cho rằng, việc kê khai thuế theo doanh thu là hướng đi đúng, từ đó góp phần siết chặt quản lý thuế, đảm bảo công bằng và tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, rất cần lộ trình áp dụng phù hợp, cùng các cơ chế hỗ trợ để hộ kinh doanh không lúng túng.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu, cần lộ trình chuyển tiếp tối thiểu một năm, để hộ kinh doanh kịp thời thích nghi với các yêu cầu mới về hóa đơn, thanh toán và ghi nhận doanh thu. Chẳng hạn, các tiệm ăn uống và tạp hoá, vốn chỉ đóng một mức thuế khoán cố định, thì hiện phải làm quen với việc xuất hóa đơn, ghi nhận từng giao dịch và có thể bị truy xuất số liệu nếu có chênh lệch.
Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật và sự đồng hành của cơ quan thuế để các hộ không bị “ngợp”.
Đồng quan điểm, TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam cũng khuyến nghị, cơ quan quản lý cần dành thêm thời gian để các hộ kinh doanh nhỏ kịp thời thích nghi với chinh sách mới, bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn đầy đủ từ đơn vị cung ứng dịch vụ.
Theo vị chuyên gia này, các hộ kinh doanh mô hình hoạt động khác nhau, nên không thể thiết kế một công cụ quản lý duy nhất cho tất cả các hộ. Do đó, cần chia hộ kinh doanh thành các nhóm cụ thể, căn cứ theo quy mô nhân sự, tài sản, doanh thu, mức độ sẵn sàng… để xây dựng lộ trình phù hợp.
“Trước khi thực hiện các giải pháp căn cơ, toàn diện thì không nên làm quá mạnh, xáo trộn sinh kế của hàng triệu hộ kinh doanh, hàng triệu người”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng thời cho rằng, việc chuyển đổi cần song hành với tạo thuận lợi và giảm chi phí tuân thủ.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào ngày 19/6, Phó Thủ tướng Chính phủ - Hồ Đức Phớc cho rằng, xóa bỏ thuế khoán là chủ trương đúng, góp phần minh bạch nghĩa vụ thuế và chống thất thu ngân sách. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần thiết kế chính sách thuế linh hoạt, không gây khó khăn cho hộ nghèo, hộ kinh doanh nhỏ, đồng thời khuyến khích các hộ có doanh thu lớn phát triển thành doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng lưu ý, với các hộ có doanh thu trên 1 tỷ đồng và địa điểm kinh doanh ổn định, nên áp dụng hóa đơn, vừa minh bạch, chống thất thu, vừa tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp. Ngược lại, với các hộ dưới 1 tỷ đồng, có thể áp dụng phương pháp khoán linh hoạt để giảm áp lực hành chính, tránh gây thiệt thòi do không có hóa đơn đầu vào để khấu trừ thuế.