Sau quyết định “bảo hộ”, thép nhập khẩu giảm mạnh

Do tác dụng của áp thuế chống bán phá giá nên việc nhập khẩu thép và phôi thép đã giảm mạnh trong nửa đầu tháng 8, giảm 14% về lượng và 5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015.

[caption id="attachment_32233" align="aligncenter" width="670"]Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.[/caption]

Số liệu mới nhất của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8, nhu cầu tiêu thụ thép thấp do đang là thời điểm mưa bão tuy nhiên vẫn ở mức cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, sản xuất, ước lượng thép xây dựng sản xuất tháng 8 đạt 621.000 tấn, giảm 5% so tháng 7/2016 nhưng tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015.

Lượng thép tiêu thụ tháng 8 đạt 600.000 tấn, giảm 4% so tháng 7/2016 nhưng tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015.

Báo cáo cũng cho biết, giá bán thép đầu nguồn bình quân trên thị trường chưa tính VAT giao tại nhà máy đang phổ biến ở mức 10,2-10,6 triệu đồng/tấn đối với thép cây thông dụng tại thị trường miền bắc và 10,6-10,8 triệu đồng/tấn đối với thị trường miền nam.

Tương tự, tại thị trường miền bắc, giá bán thép cuộn từ 10,3-10,7 triệu đồng/tấn trong khi thị trường miền nam giá cao hơn, ở mức 10,8-11,1 triệu đồng/tấn.

Về tình hình nhập khẩu, báo cáo cho biết, do tác dụng của áp thuế chống bán phá giá nên việc nhập khẩu thép và phôi thép đã giảm mạnh.

Cụ thể, từ ngày 1/8/2016 đến hết ngày 15/08/2016, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 688,2 nghìn tấn với kim ngạch 352,6 triệu USD, giảm 14% về lượng và giảm 5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, nhập khẩu phôi thép đạt 3,015 nghìn tấn với kim ngạch trên 940,5 nghìn USD, giảm 98% về lượng và giảm 98% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015. Nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép đạt 145,8 triệu USD, tăng 7% so cùng kỳ năm 2015.

Dự báo của Trung tâm thông tin cho rằng, giá bán lẻ thép xây dựng tại thị trường trong nước tháng 9/2016 tiếp tục ổn định do nguồn cung dồi dào. Diễn biến tại thị trường thép trong nước đi ngược chiều với giá thế giới, khi giá thế giới được dự báo tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ tăng và giá nguyên liệu và sản phẩm thép đã tăng trở lại.

Trước đó, ngày 18/7, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu và bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 8/2016 và kéo dài trong 4 năm.

Theo đó, mức thuế áp cho sản phẩm phôi thép giữ nguyên ở mức 23,3% trong khi, mức thuế đối với thép dài tăng từ 14,2% lên 15,4%.

Tuy nhiên, thuế tự vệ bổ sung sẽ giảm dần từng năm trong 4 năm và sẽ về 0% vào năm thứ 5 tính từ ngày có hiệu lực của biện pháp áp thuế tự vệ tạm thời vào tháng 3/2016. Đây là mức thuế bổ sung bên cạnh mức thuế nhập khẩu thông thường là 10% đối với phôi thép và 15-20% đối với thép dài.

Quyết định này là kết quả của quá trình điều tra áp dụng biện pháp tự vệ dựa trên đề nghị của 4 doanh nghiệp gồm CTCP Thép Hoà Phát (HPG), Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, CTCP Gang thép Thái Nguyên và CTCP Thép Việt Ý (chiếm 38,6% tổng sản lượng phôi thép sản xuất trong nước và 34,2% với thép dài).

Theo Bizlive

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video