Phát triển ngân hàng bán lẻ: Cơ hội của DN hỗ trợ kênh phân phối
Sự hứa hẹn sẽ bùng nổ của thị trường bán lẻ với tiềm năng chi tiêu từ đại đa số người lao động có thu nhập trung bình (53% người dân ở độ tuổi lao động/~ 95 triệu dân) đã khiến các ngân hàng (NH) trong ba năm qua tích cực chạy đua định hướng và đẩy mạnh phát triển mô hình NH bán lẻ.
[caption id="attachment_9729" align="aligncenter" width="700"]
Mặc dù so với tiềm năng, mức doanh số mà các NH khai thác được từ bán lẻ hiện tại chưa cao, nhưng các DN phối hợp với NH để tạo đa kênh phân phối đang đánh giá cao tiềm năng hợp tác, kinh doanh, khai thác thị trường.
Kênh phân phối truyền thống: Còn dư địa phát triển
Ở góc độ truyền thống, các kênh phân phối của NH bán lẻ trước hết bao gồm các chi nhánh – phòng giao dịch (CN – PGD). Từ năm 2012 – 2015, dù hoạt động mở rộng CN – PGD của các NHTM bị NHNN kiểm soát chặt chẽ và các tổ chức chỉ được mở thêm nếu có “lý do đặc biệt” như hệ thống mạng lưới CN-PGD chưa được phát triển tương thích với quy mô vốn, tổng tài sản hiện hữu của NH; hoặc đang bắt buộc/ tự nguyện tái cấu trúc theo đề án; nhưng nhiều tổ chức vẫn “tranh thủ” để nhân thêm mạng lưới của mình thông qua con đường mua bán, sáp nhập. Những NH có mạng lưới bất ngờ nhân lên như vậy, đa phần đều nhờ sự cộng hưởng từ mạng lưới của một NH khác sáp nhập vào, qua đó đồng thời tái cơ cấu thị trường và có thể là được ưu tiên mở mới. Bên cạnh mạng lưới CN-PGD hiện hữu, kênh phân phối truyền thống để phát triển bán lẻ của các NH còn có ATMs, POS, Home Banking, Cell Banking và Center Banking. Theo thống kê của TS Cấn Văn Lực, PTGĐ BIDV, dựa trên tổng hợp nhiều nguồn, tính đến quý III/2015, VN hiện có 88 NHTM (kể cả chi nhánh NHNN), 5.100 chi nhánh, phòng giao dịch, 70.000 tài khoản vãng lai, 16.100 máy ATM, 192.000 điểm sử dụng POS, 45 tổ chức phát hành thẻ với 68,4 triệu số lượng thẻ đang lưu hành.
So sánh số lượng chi nhánh /100.000 người lớn, số lượng của VN khá thấp (3.7) so với một số quốc phát triển như Mỹ là 33.9, Nga 38.4. VN chỉ cao hơn 2 quốc gia có tỷ số thấp nhất trong khu vực gồm Myanmar là 2.6, Lào là 2.7. Cùng với đó, xét số máy ATMs/ 100.000 người lớn, mặc dù VN có số lượng cải thiện hơn nhiều (22.3) so với Myanmar (0.6) hay Campuchia (8.5) nhưng lại cũng rất khiêm tốn so với Hàn Quốc (290) hay Mỹ (173). TS Cấn Văn Lực đặt giả định rằng: Phải chăng trong tương lai gần từ nay đến 2020, xu thế chủ đạo của kênh phân phối vẫn phần nào dựa chủ yếu vào sự phát triển, mở rộng của các CN-PGD trên cơ sở cơ cấu lại? Tương lai, kênh phân phối bán lẻ sẽ phần nào thuộc về ATMs lẫn POS ?
Theo đó, cơ hội còn rất lớn với các DN trong lĩnh vực cung cấp hạ tầng, công nghệ, giải pháp công nghệ để hỗ trợ và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các kênh phân phối bán lẻ truyền thống. Ông Sean Preston, Giám đốc VISA phụ trách khu vực VN, Lào, Campuchia nói với DĐDN họ vẫn đánh giá rất cao khả năng kết nối Cty Tài chính – NH – Các tổ chức cung ứng dịch vụ bán lẻ qua giải pháp thanh toán điện tử nhằm thúc đẩy hơn nữa thị trường bán lẻ tài chính ở VN. Điển hình là việc bất chấp suy giảm của kinh tế toàn cầu, trong năm 2015, tổng giá trị thanh toán bằng thẻ của Visa tại VN tăng 44%, đồng thời tổng số giao dịch cũng tăng 41% (số liệu tính theo niên độ tài chính của VISA, từ tháng 6/2014 – 6/2015).
Ngân hàng kỹ thuật số: Cuộc cạnh tranh công nghệ
Một điều khá đặc biệt là dù hệ thống nhà băng chưa thực sự phát triển, mức thu nhập cũng như tỷ lệ ngân sách dành cho chi dùng vẫn ở mức thấp và có phần tiết kiệm so với một số quốc gia cùng khu vực (tổng hợp nguồn của IMF cho thấy GDP bình quân đầu người của VN năm 2015 đạt trên 2000USD/ người so với 10.000 USD/ người của thế giới; báo cáo chỉ số niềm tin tiêu dùng quý III/2015 của Nielsen cho rằng VN đứng đầu toàn cầu về mức độ tiết kiệm thay chi tiêu), song cũng theo TS Cấn Văn Lực, dẫn nguồn số liệu khảo sát của Mc Kensey 2014, VN là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ NH số (Digital Banking) khá cao (44%), vượt qua cả Malaysia (41%), Indonesia (36%), Thái Lan (19%), Ấn độ (18%) và Philippines (13%).
Như vậy, dịch vụ NH số, với vai trò cơ bản của Mobile, Internet… tại VN đang khá phát triển. Tuy nhiên, mức độ phát triển này liệu đã đủ đáp ứng nhu cầu thị trường?
Ông Huỳnh Song Hào, GĐ Khối Bán lẻ NH Vietcombank cho biết, xét ở góc độ nhu cầu để phát triển kênh phân phối bán lẻ Mobile Banking, tiềm năng thị trường vô cùng to lớn. Với 43% dân số sử dụng internet, 55% dân số sử dụng smartphone, 12% dân số sử dụng tablet, tỷ lệ nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng trưởng 58%/ năm và 145 USD là bình quân giá trị chi tiêu /người dành cho mua sắm qua trực tuyến, dịch vụ Mobile Banking hiện đã được tận dụng đáng kể. Cũng theo TS Hào, có 25 NHTM đã có phần mềm ứng dụng Mobile, 13 NH sử dụng Simtolkit, 45 NH phát triển SMS Banking.
Nhưng cuộc đua về công nghệ giữa nhà cung cấp, hỗ trợ phát triển thúc đẩy kênh bán lẻ kỹ thuật số với các NH có lẽ sẽ không dừng lại tại đây. Cũng không thể dừng lại với các tính năng cơ bản của Mobile Banking như tra cứu thông tin, xem số dư, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán tiền vay, thanh toán hóa đơn/ top up. “Dù mới chỉ có 20% NH phát triển các tính năng nâng cao của Mobile Banking như chuyển tiền định kỳ/ Tương lai; Cá thể người dùng…, nhưng chắc chắn với nhu cầu của thị trường, các NH bán lẻ tới đây đều sẽ đẩy mạnh chiến lược tập trung phát triển NH Di động. Trong đó, bên cạnh việc gia tăng tiện ích, tính năng dịch vụ Mobile Banking theo hướng tích hợp đa tính năng, các NH còn phải mở rộng hợp tác với đa dạng các nhà cung cấp dịch vụ để triển khai thanh toán trên Mobile Banking, Mobile Payment”, ông Hào nói.
Trong tương lai gần 2016, ông Sean Preston, đại diện VISA cho biết, Cty sẽ triển khai công nghệ pay ware –sử dụng sóng điện từ để nhận diện và thanh toán thẻ tại VN. Công nghệ này sẽ được tích hợp vào các điện thoại cao cấp như Iphone 5 và Iphone 6, thậm chí nâng cấp một chiếc điện thoại thành một “thẻ ảo” và một “điểm thanh toán” tiện lợi.
Mạng xã hội với NH bán lẻ, tại sao không?
Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ chưa nhìn thấy nhiều cơ hội bắt tay với NH bán lẻ thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, xét ở góc độ “truyền tin” tăng độ nhận diện và quảng bá sản phẩm, tư vấn cho người dùng, mạng xã hội đang dần khẳng định vị thế đối với thị trường tài chính – bán lẻ.
Hầu hết các NHTM Việt Nam cơ bản đều lập fanpage, tài khoản trên mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook; Twitter. Dù vậy, đại diện một NH cho rằng trên các mạng xã hội, các TCTD đều đang “ngập ngừng” thí điểm tương tác, và dừng ở mức độ chỉ cập nhật thông tin sản phẩm, dịch vụ, hoạt động NH. Họ ngại mở rộng quy mô tương tác vì sẽ bị phụ thuộc vào công nghệ của một hãng thứ ba. Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cho rằng còn có một nguyên nhân sâu xa là các NH ngại… xử lí khủng hoảng. Điều đó cho thấy mức độ lan truyền của mạng xã hội đối với phát triển digital banking sẽ là nền tảng mang đến những hiệu ứng tốt với khách hàng. Theo khảo sát 17.000 khách hàng tại 32 nước của Capgemini năm 2014, vai trò dịch vụ NH trong duy trì khách hàng qua mạng xã hội đối với khu vực châu Á đạt trên 57%. Nhưng để phát triển và khai thác được mạng xã hội theo hướng trở thành những nhà cung cấp dịch vụ cho NH, các hướng cung cấp nghiên cứu, phân tích thị trường, tạo dữ liệu BigData, tư vấn phát triển sản phẩm bán lẻ qua mạng xã hội… thực tế vẫn là những “miền đất” gần như còn khá trống. Gợi ý gần đây của một tổ chức chuyên nghiên cứu thói quen sử dụng mạng xã hội để xem thông tin và thực hiện mua sắm thời trang của giới nữ diễn ra vào thời điểm nào… có lẽ là gợi ý khá sát cho những nhà cung cấp dịch vụ tài chính bán lẻ – qua Social Media – ở VN. Vấn đề còn lại là năng lực thực hiện, cũng như tương tác giữa tổ chức sử dụng dịch vụ – khách hàng, đồng thời phù hợp các quy định về pháp lý là điều cần được đánh giá lại.
Xin mượn chia sẻ của ông Sean Preston để khép lại bài viết: Dịch vụ càng phát triển, người tiêu dùng các được hưởng lợi. Những DN đã và đang phát triển lành mạnh, sẽ không e ngại, mà ngược lại, hoan nghênh mọi sự cạnh tranh. Càng có nhiều NH, Cty tài chính, dịch vụ / đối tác của hệ thống tài chính tham gia thị trường, người tiêu dùng càng có nhiều trải nghiệm và các tổ chức sẽ ngày càng bắt buộc phải làm tốt hơn.
Trong xu thế cạnh tranh bán lẻ đang phát triển như một tất yếu, hy vọng các DN hỗ trợ và người tiêu dùng thực sự sẽ có lợi!
Theo Enternews