Phát triển đô thị TP HCM: Chọn đô thị nén hay thành phố vệ tinh?
Tại Hội thảo Quản ly xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM vừa qua, có hai luồng ý kiến về phát triển đô thị TP HCM là: Chọn đô thị nén hay thành phố vệ tinh?
TS Huỳnh Thế Du – Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng xuất phát từ thực trạng kẹt xe và nhà ở đông đúc nên tâm lý chung là cần phải giãn dân và xây thêm đường. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ nhiều thành phố và nguyên lý đô thị thì TP HCM bây giờ nên làm hai việc ngược lại.
Đó là làm cho mật độ dân số tăng lên và hạn chế xây đường, mở đường để tập trung nguồn kinh phí cho phát triển hệ thống giao thông công cộng.
“TP HCM nên theo triết lý phát triển đô thị nén gắn với vận tải giao thông công cộng. Giải pháp then chốt tôi thấy rằng cần tập trung người để nâng cao mật độ chứ không phải giãn dân để giảm mật độ, điều này đi ngược lại với nhiều người vẫn nghĩ nhưng đây mới chính là giải pháp cho bài toán giao thông đô thị thành phố”, ông Du đề xuất.
Ông Du dẫn ra kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên các nước để minh chứng lập luận của mình là đúng. Chẳng hạn như Hồng Kông có diện tích khoảng 1.100 km2 nhưng họ chỉ phát triển đô thị trong giới hạn chưa tới 200 km2.
Tương tự với thành phố Seoul (Hàn Quốc) diện tích 605 km2 nhưng phần phát triển của họ cũng rất nhỏ; Singapore cũng có hơn 700 km2 nhưng chỉ phát triển trong 250 km2 mà thôi, Tokyo (Nhật Bản) hơn 600 km2 nhưng cũng chỉ phát triển diện tích đô thị rất nhỏ. Diện tích phát triển đô thị của các thành phố nói trên rất nhỏ trong khi nòng cốt của họ là tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng.
“Nếu so với TPHCM chúng ta sẽ thấy diện tích phát triển đô thị của ta rất lớn. Trong khi đó vận tải hành khách công cộng của ta lạc quan lắm cũng chỉ chiếm 10%”, ông Du phân tích. "Ngay cả khu trung tâm thành phố hiện nay mật độ cao tầng vẫn chưa đủ và cần tiếp tục phát triển cao hơn nữa bởi cấu trúc nhà ở như TP HCM hiện vẫn bị coi là nữa nạc nửa mỡ, tức là mật độ dồn quá cao cho phương tiện vận tải cá nhân và diện tích đường quá ít, thành phố cần phải xem lại định hướng phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng".
Ở chiều ngược lại, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng TP nên đầu tư phát triển đô thị vệ tinh, tiểu vệ tinh theo tuyến: dọc theo các tuyến đường bộ (các tuyến trục hướng tâm, vành đai…) cần phát triển các khu dân cư, khu đô thị tập trung, thực hiện hệ thống đường gom, không hình thành các khu dân cư tự kết nối trực tiếp ra tuyến đường chính.
“Dọc theo các tuyến đường sắt đô thị, định hướng phát triển các khu đô thị mới lấy các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị làm trung tâm thương mại và xung quanh là khu dân cư… đồng thời kéo dài các tuyến đường sắt đô thị để giãn dân, do thời gian di chuyển từ khoảng cách bán kính 20-30km vào trung tâm TP chỉ khoảng 20-30 phút”, ông Bùi Xuân Cường cho biết.
Vị Giám đốc Sở GTVT TP HCM cũng đề xuất trước khi phê duyệt dự án bất động sản cần đánh giá tác động giao thông khu vực dự án và phương án đấu nối giao thông để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông khu vực khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, cần có chế tài đối với các dự án phát triển đô thị trong nội thành, nghiên cứu phương án tính toán giá trị đầu tư toàn bộ hệ thống hạ tầng phục vụ cho các quận nội thành. Giá trị nêu trên sẽ tính vào giá trị các khu đất giao cho nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Sơn – nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho rằng mô hình đô thị TP HCM đa trung tâm với trung tâm chính được mở rộng thành cụm trung tâm lớn hơn bao gồm: Sài Gòn – Chợ Lớn – Thủ Thiêm – Phú Mỹ Hưng – quận 4 – một phần quận Bình Thạnh và 4 trung tâm khu vực mới là mô hình tích tụ hợp lý giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường, hơn là chỉ tích tụ tập trung vào trung tâm hiện hữu là Sài Gòn thì sẽ làm quá tải cơ sở hạ tầng.
Theo ông Sơn, 4 trung tâm đô thị khu vực ngoài khu trung tâm hiện hữu có thể bao gồm: Hướng chính Đông là Khu đô thị mới công nghiệp công nghệ cao quận 9; hướng chính Nam là Khu đô thị cảng Hiệp Phước Nhà Bè; hướng phụ Tây – Tây Bắc là Khu đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi; hướng phụ Tây – Tây Nam là khu đô thị mới Tân Tạo – Tân Kiên, Bình Chánh.
Theo NDH