Nhựa Bình Minh: Đi thâu tóm và nguy cơ bị thâu tóm
CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) là một trong những công ty nhận được những phản ứng tích cực nhất từ thông tin Nhà nước sẽ thoái vốn.
Ngay sau khi Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phát đi thông báo sẽ thoái toàn bộ 29,6% vốn tại BMP, cổ phiếu doanh nghiệp này có những bước tăng trưởng chóng mặt.
Theo đó, chỉ sau hơn hai tháng, giá cổ phiếu BMP đã tăng tới 18,3%, từ mức 115.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 13/10 lên mức 136.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 18/12.
Trong khi đó, ngành nghề kinh doanh của BMP về cơ bản không nằm trong diện kinh doanh có điều kiện, do đó, nhiều khả năng BMP có thể được nới room ngoại tối đa lên mức 100%, từ mức 49% vốn đã kín như hiện tại.
Nguy cơ bị thâu tóm
Hiện tại, ngoài SCIC đang là cổ đông lớn nhất, nắm 29,6% vốn điều lệ còn có cổ đông nước ngoài là nhà đầu tư cùng ngành The Nawaplastic Industries Co.,Ltd nắm 20,4% vốn và Franklin Templeton Investment Funds nắm 9%.
Mặc dù nắm lượng cổ phần tương đối cao nhưng Nawaplastic Industries chưa thể nắm quyền chi phối. Tuy nhiên, trong một phát biểu trả lời phỏng vấn Bangkok Post hồi tháng 4/2012, ông Kanet Khaochan, Giám đốc điều hành doanh nghiệp này nói rằng sẽ xem xét nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty lên 49%, cho thấy tham vọng “thống trị” của cổ đông Thái tại BMP.
Tham vọng của cổ đông này cũng đã bắt đầu được hiện thực hóa từ ĐHĐCĐ 2013, khi họ đưa người vào hội đồng quản trị của BMP.
Việc Nawaplastic Industries muốn nắm quyền chi phối tại BMP không phải là điều gì đáng ngạc nhiên, nếu nhìn vào "miếng bánh" thị trường nhựa mà doanh nghiệp này đang nắm giữ. Theo báo cáo thường niên năm 2012 của doanh nghiệp, BMP chiếm 20% thị phần cả nước và 50% thị phần miền Nam.
Theo đó, một khi SCIC quyết định "nhả" BMP, nhiều khả năng Nawaplastic Industries sẽ thừa cơ nhảy vào để nắm quyền chi phối.
Tuy nhiên, khi được hỏi về nguy cơ bị thâu tóm, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc công ty lại tỏ ra khá bình thản.
"Chúng tôi không thấy sự "đe dọa" nào từ việc nới room khi hoạt động của công ty vẫn ổn định và tăng trưởng tốt. Có chăng, ở góc độ khác, về mặt thương hiệu bị "mất đi" khi nước ngoài sở hữu 100% một doanh nghiệp trong nước.
Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với tất cả các nhà đầu tư không phân biệt trong/ngoài nước - miễn là mang lại lợi ích cho cổ đông, khách hàng, Nhà nước Việt Nam", ông Ngân nói.
Đi thâu tóm?
Theo chia sẻ của lãnh đạo BPM, công ty đang hướng tới miền Trung để phát triển trong tương lai. Khu vực này tính từ Bình Thuận đến Quảng Trị chiếm khoảng 20% doanh số của BMP.
Thị trường miền Trung được coi là một miếng bánh hấp dẫn cho BMP khai thác, khi miền Bắc đang bị "chiếm giữ" bởi Nhựa Tiền Phong.
Để phát triển thị trường ở khu vực này, BPM mua 29% vốn điều lệ CTCP Nhựa Đà Nẵng.
Trước đó, lãnh đạo BMP đã từng giữ các vị trí chủ tịch hội đồng quản trị, trưởng ban kiểm soát của Nhựa Đà Nẵng. Do đó, nhiều khả năng BMP có thể tiếp tục mua thêm cổ phần, nắm quyền chi phối để đi tới sáp nhập, tái cơ cấu lại Nhựa Đà Nẵng trong thời gian tới. Theo đó, về cơ bản, BMP có thể gia tăng đối trọng với Nhựa Tiền Phong và các công ty nhựa khác đang hoạt động tại đây.
Kinh doanh khả quan
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015 mới công bố, BMP đạt 764,6 tỷ doanh thu thuần, tăng hơn 19% so với cùng kỳ 2014. Giá vốn hàng bán cũng tăng hơn 18% lên 558,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của công ty là 206 tỷ đồng, tăng 38 tỷ so với cùng kỳ 2014.
Chi phí tài chính tăng lên 9,3 tỷ do thanh toán chiết khấu của công ty mẹ, tuy nhiên nhờ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nên trong quý III, BMP đạt 144 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 40% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của BMP đạt 2.069 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ 2014. Giá vốn hàng bán chỉ tăng gần 12% lên 1426,2 tỷ đồng giúp BMP đạt 643 lợi nhuận gộp, tăng 43% so với cùng kỳ 2014.
Lợi nhuận trước thuế của BMP là 492 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm 10 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế là 389 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ 2014. EPS 9 tháng đầu năm là 8.543 đồng.
Theo Bizlive