Ngành nông nghiệp nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 3,05%

6 tháng đầu năm, mặc dù tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 2,65%, tuy nhiên, điều này chỉ là tín hiệu khả quan chứ chưa thể yên tâm cho mục tiêu đạt mức tăng trưởng 3,05% cả năm 2017.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. GDP toàn ngành theo tính toán tăng 2,65%.

Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực đạt 9,1 tỷ USD. Đáng ghi nhận nhất ngành hàng rau quả trong 6 tháng đạt kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2016.

Lĩnh vực thuỷ sản cũng đạt mức tăng trưởng cao 5,17%, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của ngành.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, 6 tháng đầu năm, mặc dù tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 2,65%, tuy nhiên, điều này chỉ là tín hiệu khả quan cho tình hình tăng trưởng của ngành chứ chưa thể yên tâm cho mục tiêu đạt mức tăng trưởng 3,05% cả năm 2017.

Theo Bộ trưởng, ngoại trừ năm 2014, ngành nông nghiệp đạt được tốc độ tăng GDP khá cao với mức 3,3% nhờ sự đột phá trong xuất khẩu thủy sản, còn lại đạt 2,36% năm 2015 và 1,36% năm 2016.

“Vì vậy, chỉ tiêu mà Chính phủ giao ở mức 3,05% năm 2017 là một nhiệm vụ hết sức nặng nề cho thời gian còn lại của năm 2017”, Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng phân tích, thách thức lớn nhất từ nay đến cuối năm là thiên tai, bởi hiện nay cả nước mới bắt đầu bước vào mùa mưa bão; thứ hai là vấn đề thị trường, từ tháng 9/2017, Mỹ sẽ chính thức áp dụng luật Farm Bill sẽ khó khăn cho mặt hàng cá da trơn của Việt Nam. Bên cạnh đó, EU cũng đã có cảnh báo liên quan tới một số nguy cơ về an toàn thực phẩm của hàng thủy sản Việt Nam. Vì vậy, nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để ổn định, mở rộng thị trường mới thì nguy cơ đối với xuất khẩu thủy sản sẽ rất cam go.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, việc đàm phán tháo gỡ thị trường, nhất là đấu tranh với Luật Farm Bill của Mỹ sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản. Đối với xuất khẩu tôm, ngành thủy sản đặt mục tiêu phấn đấu cuối năm sẽ đạt 675.000 tấn, với kim ngạch xuất khẩu từ 3,2-3,5 tỷ USD. Về ngành hàng cá tra, bên cạnh thị trường xuất khẩu, việc thúc đẩy dư địa của thị trường cá da trơn trong nước và thị trường nước bạn Trung Quốc sẽ được quyết liệt triển khai từ nay tới cuối năm 2017.

Năm 2017, chăn nuôi nhiều khả năng có thể đạt mức tăng trưởng 3% theo kế hoạch. Tuy nhiên, hiện nay giá lợn rất thấp và tình hình cải thiện thị trường rất chậm. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu thời gian tới, Cục Chăn nuôi phải khẩn trương rà soát lại quy hoạch cũng như đề án tái cơ cấu của ngành chăn nuôi để có giải pháp điều chỉnh. Bộ NN&PTNT sẽ trực tiếp kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo cho việc điều chỉnh quy hoạch ngành chăn nuôi, cùng với tổng kết 10 năm thực hiện quy hoạch ngành chăn nuôi để có sự điều chỉnh cho giai đoạn tới.

Bộ trưởng cho rằng, 6 tháng cuối năm cũng như giai đoạn tới, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn là vấn đề căn cốt nhất. Thời gian tới, các ngành hàng phải rà soát lại toàn bộ quy hoạch để kịp thời điều chỉnh cho sát với tình hình thực tế.

Mặc dù đến nay, chúng ta mới tái cơ cấu nông nghiệp được 4 năm, tuy nhiên vẫn phải rà soát lại quy hoạch, cơ cấu ngành hàng theo tình hình thị trường. Theo đó có những cây - con phải tăng, có những cây - con phải điều chỉnh giảm. Việc rà soát phải bám vào thị trường, khí hậu.

“Đồng thời, phải bám vào 3 trục sản phẩm gồm 10 nhóm mặt hàng quốc gia xuất khẩu trên 10 tỷ USD, nhóm ngành hàng cấp tỉnh và nhóm địa phương”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phải xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, chi tiết cho từng ngành hàng để lãnh đạo bộ kiểm tra cho ý kiến.

“Trước mắt, Cục phải khẩn trương phối hợp với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y tổ chức Diễn đàn xuất khẩu thịt gà và sản phẩm gà tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/7 và sau đó là Diễn đàn khuyến khích xuất khẩu thịt lợn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.

Theo Bích Phương Chinhphu.vn

Tags:

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế vươn tầm quốc gia và khu vực

Vừa qua, trong chương trình giao lưu Văn hoá Kinh tế Việt - Nhật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế đã có buổi làm việc cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong việc hợp tác, trao đổi về y khoa, công nghệ trong lĩnh vực y tế.

Kiến tạo không gian số quốc gia thống nhất

Từ ngày 1/7, 34 tỉnh, thành phố chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW (Nghị quyết 57) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã ban hành Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 về thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, nhanh và hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị.

“Phép thử” với doanh nghiệp Việt Nam

Dữ liệu là “mỏ vàng” của nền kinh tế số và cần có cơ chế bảo vệ nghiêm ngặt khi việc khai thác đang ngày càng mở rộng, đòi hỏi doanh nghiệp cần sớm thiết lập nền tảng vững chắc để bảo vệ.

Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đặt mục tiêu năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật.

Video