Làm gì để tái cơ cấu, tạo đột phá phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ?
Tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2017 diễn ra chiều 26/9, PGS-TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.đã đưa ra một số giải pháp nhằm tái cơ cấu, tạo dộ phá phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Vùng kinh tế năng động
Theo PGS.TS.Trần Đình Thiên, từ "đặc biệt" được dùng ở đây là hoàn toàn xứng đáng, bởi đây là vùng hội tụ đầy đủ hơn cả các điều kiện và lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ, có vị thế là "trung tâm lớn nhất", "đi đầu" và đóng vai trò "dẫn dắt" phát triển kinh tế cả nước.
Cụ thể, vùng Đông Nam bộ sản xuất hơn 40% GDP cả nước, đóng góp 60% ngân sách nhà nước. Vai trò, vị thế vượt trội của Đông Nam bộ là rõ ràng. Hàm ý của nhận định (sự thừa nhận) này là: tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy Đông Nam bộ tiến vượt là sự lựa chọn đúng đắn để giải quyết các vấn đề phát triển của cả nền kinh tế, nhất là trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Tuy chưa xác lập đẳng cấp phát triển cao vượt bậc so với Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ, nhưng trình độ phát triển kinh tế của Vùng Đông Nam Bộ nhìn chung cao hơn cả nước ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực (công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, đào tạo nhân lực).
[caption id="attachment_69627" align="aligncenter" width="600"]
Đông Nam Bộ là Trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước. Một mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp, tập trung tập trung ở "tứ giác" TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu, đang mở rộng ra Long An, Tiền Giang. Đây là vùng kinh tế có hệ thống cảng tốt và có hậu phương công nghiệp tốt .
Bên cạnh đó, vùng Kinh tế Đông Nam Bộ có "hạt nhân" là TP HCM. Là vùng có hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, tập trung các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế; nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng, do đó là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn. Trong Vùng đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, trong một không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai đang được xây dựng. TP HCM - hạt nhân phát triển Vùng - là trung tâm đầu mối dịch vụ và thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế, đặc biệt là dịch vụ du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, dịch vụ cảng…
Vùng Đông Nam Bộ còn là "Trung tâm Hội nhập Quốc tế" lớn nhất nước với Cảng biển "Trung chuyển Quốc tế" Cái Mép - Thị Vải (đã định hình), Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không Trung chuyển quốc tế Long Thành (sẽ được xây dựng). Đây là điểm cần được đặc biệt lưu ý, nhất là trên quan điểm "hướng tới tương lai", trong bối cảnh nền kinh tế đang phải giải quyết những vấn đề "cốt tử" của công cuộc phát triển trong môi trường hội nhập trong giai đoạn tới.
Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có sức hấp dẫn đầu tư mạnh nhất cả nước, dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các dự án ĐTNN đi tiên phong trong hầu hết các ngành, lĩnh vực ưu thế của vùng. Tính đến nay, Vùng chiếm khoảng 60% số dự án và gần 50% vốn FDI của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của vùng chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhưng cho đến nay, tuy các tỉnh Đông Nam bộ vẫn phát triển vượt lên so với cả nước, song vẫn còn thấp xa khả năng và mong muốn; vẫn là phát triển từng tỉnh, tầm nhìn "tỉnh ta" vẫn chi phối; chưa rõ tư duy phát triển Vùng, không có cơ chế, chính sách phát triển Vùng (hạ tầng, thể chế, cơ chế phát triển). Thiếu hệ thống liên kết phát triển Vùng được coi là một (trong những) cản trở phát triển lớn nhất hiện nay đối với Vùng Đông Nam Bộ.
Vì sao lại có tình trạng trên? Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, trong tiếp cận chiến lược, tư duy vùng còn chồng chéo, giao thoa các Vùng (8 tỉnh nhưng có 3 cách tổ hợp Vùng: Vùng Đông Nam Bộ: 6 tỉnh, Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam: 8 tỉnh, Vùng TP. HCM: 8 tỉnh) nhưng không phân định rõ chức năng từng Vùng, không có cấu trúc thể chế hiệu lực đủ mạnh để vận hành hiệu quả.
Bên cạnh đó, tầm nhìn vùng còn không rõ chức năng, sứ mệnh, cấu trúc của Vùng Kinh tế Trọng điểm, chưa định vị rõ vai trò, chức năng, trách nhiệm - gắn với thể chế phù hợp - của Vùng Đông Nam bộ trong chiến lược phát triển quốc gia.
Đặc biệt, sự quan tâm đến phát triển Vùng chưa định hình thật rõ mục tiêu vì đầu tàu, dựa vào đầu tàu (hạt nhân Vùng), chưa có chính sách, cơ chế thực sự hỗ trợ thúc đẩy vai trò "hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt" của TP HCM (không phải vì TP HCM). Tư duy phát triển quốc gia và phát triển Vùng vẫn bị chi phối bởi tư duy "dàn hàng ngang", "chia đều". Vùng Đông Nam Bộ cũng có cơ chế, chính sách vận hành giống như các Vùng khác trong cả nước.
PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, cơ chế phân cấp, phân quyền vùng Đông Nam bộ hiện đang không hợp lý. TP. HCM - trung tâm phát triển vùng, dù có đủ thế và lực (nguồn lực, trình độ và vị thế liên kết), vẫn không thể tiến vượt lên, không thể lan tỏa phát triển. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng chia cắt, cục bộ địa phương - vùng: xung đột lợi ích, khó phối hợp, không liên kết.
Cũng theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, việc phân bổ nguồn lực không đúng, chưa tương xứng vai trò, vị thế và lợi thế - năng lực: Cụ thể là chưa tập trung đúng mức (thỏa đáng) cho Vùng (hạ tầng kết nối quốc tế và Vùng), cho TP. HCM (tắc nghẽn); Không có cơ chế phân quyền, trao quyền phù hợp (quyền cơ chế, chính sách // quyền lập quy) cho các chủ thể địa phương, tạo chủ động để khuyến khích thu hút vốn đầu tư để giải tỏa các điểm tắc nghẽn và tạo nền tảng đầu tư; Cơ cấu kinh tế Vùng đang vật lộn với việc vượt qua đẳng cấp thấp. Công nghiệp, dịch vụ "cao hơn" cả nước nhưng còn xa mới định hình, khẳng định đẳng cấp công nghệ cao, sức cạnh tranh quốc tế thấp; Sự kết nối quốc tế của Đông Nam bộ chưa định hình về mặt cơ cấu (sản phẩm đặc trưng, thị trường chính, các tuyến liên kết).
Cần quy hoạch lại Vùng trên một tầm nhìn mới
Từ thực tế trên, PGS.TS. Trần Đình Thiên đưa ra đề xuất: Quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, cần xác định lại cấu trúc Vùng của khu vực Đông Nam Bộ - Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam và Vùng TP. HCM. Nên quy gọn để tránh phức tạp về cơ chế, chính sách; Đề cao tư duy phát triển vùng, đặt (quy hoạch, chiến lược) phát triển từng tỉnh trong tư duy phát triển Vùng, trên nền tảng và thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò "đầu tàu", "hạt nhân phát triển" Vùng của TP. HCM; Định hướng công nghệ cao (CMCN 4.0) và hội nhập - cạnh tranh phát triển toàn cầu.
PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng cho rằng, trong quy hoạch này phải rõ: "Hạt nhân phát triển Vùng" nghĩa là gì - chức năng, cấu trúc, điều kiện bảo đảm? Vai trò chức năng, vị thế của các địa phương trong Vùng? Cơ chế phát triển Vùng: Cơ chế huy động và hội tụ sức mạnh cấp Vùng? Cơ chế liên kết - hội nhập phát triển nội Vùng, liên Vùng, tính chủ động của từng địa phương?
Bên cạnh đó, cần làm rõ việc quy hoạch do ai làm? Thực thi quy hoạch như thế nào? Nguồn lực bảo đảm nhà nước (vốn mồi)? Cơ chế giám sát thực thi? Thể chế điều hành Vùng? Đặc biệt, cần xác lập tầm nhìn, vượt thoát cấu trúc cũ.
Các nhiệm vụ chiến lược cấp Vùng phải thực hiện gồm: Quy hoạch, phân bố nguồn lực cấp Vùng (định hướng phân công ngành tổng quát để bảo đảm liên kết, phối hợp phát triển ngành và đô thị); Phát triển giao thông kết nối Vùng; Phát triển nguồn nhân lực; Phối hợp giải quyết vấn đề môi trường; Phân bổ nguồn lực (Phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho Hội đồng Vùng và chính quyền Tỉnh. Quỹ Phát triển Kết cấu Hạ tầng Vùng).