Làm ăn với Tây: Cầm tiền rồi… đánh bài chuồn
Đáng báo động là nhiều doanh nghiệp Việt vẫn thường mắc bẫy lừa đảo.

Thấy hời chớ vội tin lời
Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết có khá nhiều vụ lừa đảo xảy ra chỉ vì công ty Việt cả tin và nóng vội ký hợp đồng khi thấy mối hời lớn. Đặc biệt vào những lúc thị trường có biến động, giá tăng đột ngột, DN có thể nhận được hàng loạt chào hàng từ đối tác ngoại với giá thấp, thời hạn ký hợp đồng rất gấp, nếu không ký ngay thì giá sẽ tăng theo biến động thị trường.
Ông Bắc kể đã từng có những vụ một công ty Việt ký hợp đồng, giao hàng cho đối tác Trung Quốc. Vài lần đầu DN Việt nhận được tiền thanh toán đúng hẹn. Nhưng sau đó thì mất hàng luôn mà không nhận được tiền, thiệt hại vài chục tỉ đồng. DN Việt sang tận nước sở tìm đối tác nhưng không được, địa chỉ được cung cấp là giả hoặc không tồn tại.
Nói về các trường hợp này, TS Phạm Văn Chắt, trọng tài viên VIAC, cảnh báo: “Sau khi ký hợp đồng, DN Việt mới nhận ra là phương thức thanh toán hết sức ngặt nghèo, thậm chí trả hết tiền mà hàng thì không thấy đâu. Với dạng lừa đảo này, các công ty nước ngoài sẽ câu kết với các hãng tàu ma để lập chứng từ giao hàng giả nhưng thu tiền thật”.
Kinh nghiệm này đã được nhắc rất nhiều. Cách đây hơn một tuần, Thương vụ Việt Nam tại Brazil lại phải nhắc lần nữa khi rộ lên tình trạng lừa đảo, mạo danh DN có tiếng của Brazil để gạ bán hàng giá hời cho công ty Việt. Các DN Việt tin tưởng, chuyển tiền đặt cọc hợp đồng vào tài khoản trung gian tại Mỹ hoặc một số nước châu Phi, sau đó thì đối tác… biến mất tăm.
Rơi vào những trường hợp như trên, DN Việt rất khó thu hồi tiền. Lý do là các giao dịch đều diễn ra bằng phương thức điện tử, các đối tượng hầu như không hiện diện tại Brazil, các tài khoản cũng nằm ở những nước trung gian.
Nhận hàng xong là... phá sản
Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng từng cảnh báo rất nhiều lần về việc đánh giá đối tác trước khi giao kết hợp đồng, tránh rơi vào bẫy lừa đảo. Đó là chưa kể có trường hợp DN Việt chấp nhận một vị thế thấp hơn trong việc ký kết hợp đồng thỏa thuận song phương với đối tác ngoại, dẫn tới tự làm khó bản thân khi xảy ra tranh chấp.
TS Chắt nêu kinh nghiệm: “Có rất nhiều trường hợp công ty Việt sau khi giao hàng cho đối tác, không nhận được tiền, tính chuyện kiện hoặc ra trọng tài thì mới biết DN kia đã... đệ đơn tuyên bố phá sản ngay sau ngày nhận hàng. Kiện có thắng cũng là thắng về lý, chứ còn đồng bạc nào để lấy, nên đành buông”.
Ông Châu Việt Bắc nói có một mẹo đơn giản có thể thực hiện ngay để xác tín địa chỉ. Đó là DN Việt gửi một thư chuyển phát nhanh cho địa chỉ đối tác. Nếu địa chỉ không có thực hoặc có nhưng đối tác không thực sự ở địa chỉ đó thì thư sẽ bị trả về.
Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng việc đánh giá uy tín, bề dày hoạt động của đối tác là rất cần thiết. Ông Lê Xuân Tân, Công ty Gỗ Hạnh Phúc, cho biết từng ký hợp đồng sản xuất đồ gỗ và khi nhận thấy một số điểm nghi vấn thì đã dần dần chấm dứt giao dịch với đối tác.
“Tốn vài ngàn USD để đến tận trụ sở đối tác và đánh giá mức độ uy tín của họ là rất cần thiết, nhất là với những hợp đồng chục ngàn, trăm ngàn USD” - ông Tân chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Quỳnh Như - Quang Huy (Pháp luật TP.HCM)