Khởi công bệnh viện điều trị đột quỵ đầu tiên tại ĐBSCL
Ngày 20/7, Công ty TNHH Đầu tư Y tế Việt Cường đã thực hiện nghi thức khởi công Bệnh viện Đột quỵ tim mạch Cần Thơ (Can Tho Stroke International Services - S.I.S Cần Thơ) quy mô 200 giường bệnh tại địa chỉ đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ.
Dự kiến, giai đoạn I, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018 với 60 giường bệnh có khả năng khám chuẩn đoán cho 500 lượt bệnh nhân/ngày.
BS Trần Chí Cường, Chủ tịch hội can thiệp Thần kinh TP.HCM, phụ trách chuyên môn của bệnh viện này cho biết: "Cả nước hiện nay chỉ mới có 5 bệnh viện điều trị đột quỵ, tập trung ở TP.HCM và Hà Nội. Khu vực ĐBSCL mỗi năm có khoảng 10.000 ca bệnh đột quỵ phải chuyển về TP.HCM điều trị, vì đường xá xa xôi nên có đến 97% bệnh nhân đến muộn (sau 6 giờ) nên tỷ lệ tử vong, tàn phế càng cao.
Bệnh viện Đột Quỵ Tim Mạch Cần Thơ là Bệnh viện chuyên khoa, khám và điều trị xử lý cấp cứu, can thiệp đột qụy, tim mạch kỹ thuật cao, ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên Thế Giới. Với mục tiêu góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại Cần Thơ và các tỉnh Miền Tây cũng như các nước bạn lân cận. Đặc biệt, bệnh viện sẽ là nơi góp phần nghiên cứu khoa học, ứng dụng phát triển công nghệ mới trong chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa đột quỵ, đào tạo chuyên sâu về can thiệp nội mạch DSA".
Theo GS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y Tế: Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não) hiện nay ngày càng phổ biến, có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi và mọi đối tượng trong xã hội, đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu.
Theo ước tính của Hội đột quỵ: ở Mỹ cứ 45 giây trôi qua sẽ có thêm một bệnh nhân đột quỵ mới, cứ 3 phút trôi qua có 1 bệnh nhân tử vong do đột quỵ. Ở Thái Lan trung bình hàng năm có 250.000 bệnh nhân đột quỵ. Ở Việt Nam con số này là 200.000 ca mỗi năm, chiếm 10% số giường bệnh nội trú. Trung bình mỗi ngày ở TP.HCM có không dưới 200 bệnh nhân phải nằm điều trị bệnh đột quỵ. Bệnh viện Đột Quỵ Tim mạch Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển y tế chuyên sâu về tuyến cơ sở, mang đến cơ hội sống còn cao hơn cho bệnh nhân đột quỵ ở khu vực ĐBSCL vì không phải mất nhiều thời gian di chuyển đến TP.HCM.