Đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc đề xuất thu thuế ngay khi nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng
![]() |
Bộ Tài chính đề xuất thu thuế thu nhập cá nhân ngay khi chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ảnh: Lê Toàn |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế của Bộ Tài chính.
Điều 7 dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi theo hướng yêu cầu khấu trừ thuế thu nhập cá nhân ngay tại thời điểm trả cổ tức bằng chứng khoán. Quy định này tạo ra thay đổi lớn về nghĩa vụ thuế: từ chỗ chỉ phát sinh thuế khi cổ đông có thu nhập thực từ việc bán cổ phần, chuyển sang phải nộp thuế ngay khi nhận cổ phiếu.
Theo VCCI, chính sách thuế ngoài việc đảm bảo thu đúng, thu đủ, cần đồng thời khuyến khích hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Trên quan điểm đó, quy định tại dự thảo cần được xem xét lại trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, ảnh hưởng đến lợi ích nhà đầu tư, làm suy giảm động lực đầu tư dài hạn.
Theo VCCI, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không tạo ra thu nhập thực tế cho cổ đông tại thời điểm nhận cổ tức. Về bản chất, đây chỉ là điều chỉnh kỹ thuật trong cấu trúc vốn, làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành nhưng không làm tăng tổng giá trị tài sản của cổ đông.
Ví dụ, một cá nhân nắm giữ 100.000 cổ phiếu có giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Khi doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỉ lệ 2:1 (tức 2 cổ phiếu cũ được nhận 1 cổ phiếu mới), cá nhân này nhận thêm 50.000 cổ phiếu.
Theo quy định, giá cổ phiếu sau đó điều chỉnh còn 20.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị tài sản của cá nhân vẫn là 3 tỉ đồng, không phát sinh thu nhập, nhưng cá nhân đó vẫn phải nộp 25 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân.
Tại thời điểm nhận cổ phiếu, cổ đông chưa thực sự được hưởng lợi ích tài chính nào. Nếu buộc phải nộp thuế ngay, điều này sẽ tạo áp lực thanh khoản, rủi ro tài chính đối với nhà đầu tư, cả lớn lẫn nhỏ lẻ. Đồng thời, việc thu thuế sớm cũng làm giảm sức hấp dẫn của chiến lược đầu tư dài hạn, bởi nhà đầu tư phải nộp thuế trước cả khi có thu nhập thực tế.
Thứ hai tác động đến nguồn lực tái đầu tư cho doanh nghiệp, bởi theo ý kiến của một số doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế thường được xử lý theo ba phương án:
Không chia lợi nhuận: Giúp doanh nghiệp giữ lại nguồn lực đầu tư, nhưng cổ đông không được chia sẻ thành quả kinh doanh;
Chia cổ tức bằng tiền mặt: cổ đông có lợi tức, nhưng doanh nghiệp bị giảm quy mô vốn, ảnh hưởng đến dòng tiền;
Chia cổ tức bằng cổ phiếu: doanh nghiệp giữ lại được vốn cho sản xuất kinh doanh, đồng thời cổ đông được gia tăng sở hữu.
Hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu được coi là giải pháp dung hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và cổ đông, khuyến khích nhà đầu tư nắm giữ lâu dài, đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp.
Đề xuất đánh thuế ngay tại thời điểm chia cổ phiếu như trong dự thảo sẽ khiến phương án này kém hấp dẫn, làm giảm một công cụ tài chính hiệu quả để doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất.
Đặt trong bối cảnh cùng phải nộp thuế ngay, nhà đầu tư sẽ có xu hướng chọn cổ tức tiền mặt vì mang lại dòng tiền thực, phục vụ việc nộp thuế ngay lập tức và không chịu rủi ro biến động giá cổ phiếu trong tương lai.
Theo số liệu từ cơ quan thuế, trong giai đoạn 2016 - 2024, số thuế thu nhập cá nhân thực thu từ cổ tức bằng chứng khoán chỉ khoảng 1.318 tỉ đồng, trong khi nếu áp dụng thu ngay từ thời điểm chia thì con số ước đạt 17.420 tỉ đồng. Điều này cho thấy đa số cổ đông chọn giữ cổ phiếu dài hạn.
Khoảng hơn 10.000 tỉ đồng “chưa thu” này thực chất đang được giữ lại trong doanh nghiệp, phục vụ tái đầu tư, tạo việc làm, đóng góp vào GDP và nguồn thu ổn định cho ngân sách. Nếu buộc phải nộp thuế sớm, dòng vốn này có thể bị rút ra, ảnh hưởng đến khả năng phát triển của doanh nghiệp.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định về thời điểm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức bằng cổ phiếu trong dự thảo.