Xuất khẩu vàng, bạc của Nga sang Trung Quốc tăng vọt nửa đầu năm 2025

Xuất khẩu vàng, bạc của Nga sang Trung Quốc đã tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị trong nửa đầu năm 2025.

Dữ liệu từ Trade Data Monitor (một công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích thương mại quốc tế) và Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu quặng và tinh quặng kim loại quý của Trung Quốc từ Nga, bao gồm vàng và bạc, đã tăng 80%, lên 1 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.

Giá vàng miếng đã tăng khoảng 28% trong năm nay, được thúc đẩy bởi các rủi ro địa chính trị leo thang và căng thẳng thương mại, cùng với hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và các quỹ ETF.

Nga hiện là nhà sản xuất vàng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với sản lượng hàng năm vượt 300 tấn. Ngân hàng trung ương Nga từng là một trong những bên mua vàng lớn nhất thế giới, nhưng khối lượng mua vào đã giảm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraina vào năm 2022.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn là một trong những ngân hàng trung ương mua vàng hàng đầu trong những năm gần đây.

Xuất khẩu quặng và tinh quặng kim loại quý, bao gồm vàng và bạc của Nga sang Trung Quốc tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Phan Anh

Các công ty khai thác vàng tại Nga cũng đang hưởng lợi từ nhu cầu vàng bán lẻ trong nước tăng cao, đạt mức kỷ lục trong năm ngoái khi người dân đổ xô mua vàng để bảo vệ giá trị tiền tiết kiệm. Người tiêu dùng Nga đã mua 75,6 tấn vàng trong năm 2024, tương đương khoảng 25% tổng sản lượng vàng cả năm của Nga.

Đợt tăng giá gần đây của các kim loại quý khác cũng góp phần giúp doanh thu của các tập đoàn khai khoáng hàng đầu tại Nga khởi sắc. "MMC Norilsk Nickel PJSC, một trong những nhà sản xuất palladium và bạch kim hàng đầu thế giới, đã tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm nay. Giá hai kim loại này lần lượt tăng 38% và 59% trong năm 2025" - dữ liệu từ Trade Data Monitor cho biết.

Kể từ sau khi Nga phải đối mặt với các biện pháp hạn chế liên quan đến Ukraina, nước này tăng cường sử dụng kim loại quý, tiền điện tử và các loại tài sản thay thế khác. Tuần trước, nhà báo Tim Treadgold cho biết giá bạc có thể đang được hỗ trợ bởi hoạt động mua vào không công bố nhưng đáng kể của ngân hàng trung ương Nga.

Ông cho rằng, giá bạc trở nên vượt trội kể từ khi Nga công bố rằng họ sẽ đưa bạc vào Quỹ Dự trữ Quốc gia lần đầu tiên.

Ông Treadgold nhận định, các quốc gia đối tác BRICS của Nga, gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, cũng có thể đang ủng hộ chiến lược tích trữ kim loại quý nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch quốc tế.

“Một phần trong kế hoạch của khối BRICS là tích lũy vàng để tránh sử dụng đồng USD, dù giá vàng hiện gần mức cao lịch sử khiến việc này trở nên rất tốn kém. Trong khi đó, bạc có thể giúp các thành viên BRICS tiếp tục kế hoạch thoát khỏi ảnh hưởng của đồng USD” - ông nói.

Các yếu tố khác hỗ trợ sức hấp dẫn đầu tư vào bạc là nhu cầu công nghiệp mạnh mẽ – đặc biệt từ ngành năng lượng xanh và điện tử – cùng với việc sử dụng bạc thay thế vàng trong chế tác trang sức ở những thị trường mà vàng bị coi là quá đắt đỏ.

“Nhưng yếu tố lớn nhất hiện nay trên thị trường bạc có vẻ là nhu cầu đầu tư, với bạc ngày càng được coi là sự thay thế cho vàng, bên cạnh bạch kim – một kim loại quý khác có lượng nhà đầu tư ngày càng tăng và giá đang đi lên.

“Không có thêm thông tin nào kể từ khi ngân hàng trung ương Nga năm ngoái thông báo sẽ đưa bạc vào kho dự trữ kim loại quý của quốc gia, vốn chủ yếu là vàng và bạch kim” - Treadgold cho biết. “Tuy nhiên, việc bạc vượt trội so với vàng gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy hoạt động của ngân hàng trung ương trong thị trường bạc đang gia tăng” - ông viết.

Trước đó, vào ngày 24.10.2024 - chưa đầy một tháng sau khi Nga công bố chiến lược dự trữ bạc và kim loại nhóm bạch kim, nước này đã đề xuất khối BRICS thành lập sàn giao dịch kim loại quý riêng. Động thái này có thể làm đảo lộn cơ chế định giá quốc tế lâu nay đối với vàng, bạc, bạch kim và các kim loại quý khác.

Thông tin này được công bố ngay sau tuyên bố chung ngày 23.10.2024 của các lãnh đạo BRICS ủng hộ việc gia tăng giao dịch kim loại quý giữa các thành viên dựa trên tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chung.

Ngay hôm sau, Bộ Tài chính Nga cũng ra tuyên bố chính thức.

“Việc tạo ra một cơ chế giao dịch kim loại trong khối BRICS sẽ dẫn đến sự hình thành cạnh tranh công bằng và bình đẳng dựa trên nguyên tắc sàn giao dịch” - Bộ này nêu rõ.

Theo Báo Lao Động

Chuyển đổi số khu vực công: Chuyển từ quản lý hành chính sang điều hành phát triển

Việc ứng dụng công nghệ số vào khu vực công không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan Nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước và người dân tiếp cận dịch vụ công nhanh. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế PGS. TS Ngô Trí Long, việc thúc đẩy số hóa không còn là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà trở thành điều kiện tiên quyết để Nhà nước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình điều hành phát triển.

Chuối Việt Nam và kì vọng xuất khẩu 4 tỷ USD

Tại Diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu chanh leo, chuối, dứa, dừa mới đây, ông Phạm Quốc Liêm - Chủ tịch Unifarm - đã đưa ra mục tiêu đầy tham vọng: Ngành hàng chuối Việt Nam hoàn toàn có thể đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD trong tương lai.

Cà phê Việt Nam chinh phục "thánh địa" văn hóa cà phê toàn cầu

Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, đang nỗ lực khẳng định vị thế và mở rộng thị phần cho các sản phẩm cà phê tại thị trường mới, đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh - nơi được mệnh danh là "thánh địa" của văn hóa cà phê toàn cầu. Việc Việt Nam lần đầu tiên tham dự Expocafé Chile 2025, diễn ra từ ngày 19 - 20/7/2025, tại Trung tâm Triển lãm Espacio Riesco, Santiago, Chile, đã ghi dấu một sự kiện đầy ý nghĩa trong hành trình này.

Lâm Đồng – Việt Nam sẽ trở thành trung tâm trà của thế giới

Việt Nam, với lịch sử hàng trăm năm gắn liền với cây chè, tự hào sở hữu một ngành chè đầy tiềm năng. Đặc biệt tại Lâm Đồng, một trong những thủ phủ chè của Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế và phát triển không ngừng. Chè Việt không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà còn là biểu tượng văn hóa, gắn liền với đời sống và tâm hồn người Việt.

Đã đến lúc thay đổi mô hình tăng trưởng để cất cánh

Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về phát triển kinh tế trong thời gian qua, với tốc độ tăng trưởng thuộc hàng cao trong khu vực. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng hiện tại chủ yếu dựa vào nguồn lực lao động giá rẻ và vốn đầu tư đang bộc lộ những hạn chế cố hữu, đòi hỏi một sự chuyển dịch mạnh mẽ để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong tương lai.

Video