Khi quyền lực nhóm cổ đông cao hơn lợi ích doanh nghiệp
Gây náo loạn Đại hội cổ đông, phủ quyết tất cả nội dung tờ trình, đòi miễn nhiệm HĐQT... là những hoạt động gây cản trở mang tính “bề nổi” của các nhóm cổ đông với ban lãnh đạo. Về lâu dài, bản thân doanh nghiệp phải hứng chịu tất cả hệ lụy.
Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vừa đưa cổ phiếu PNC của CTCP Văn hóa Phương Nam vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 16/6/2016. Nguyên nhân do Công ty liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Tính đến thời điểm hiện tại, PNC đã bị nhắc nhở lần 3 vì chậm công bố BCTC hợp nhất năm 2015 đã kiểm toán và nhắc nhở lần 2 về việc công bố Báo cáo thường niên 2015. Trước đó, công ty cũng nhiều lần chậm công bố thông tin BCTC quý IV/2015 hay quý I/2016 (đều đã khắc phục được).
Trở lại câu chuyện của PNC năm 2015, trong tâm điểm vụ Megastar, tại ĐHCĐ bất thường tháng 10/2015, nhóm cổ đông lớn nắm giữ 62% vốn điều lệ công ty đã liên tục đưa ra các ý kiến trái chiều đối với ban lãnh đạo, thậm chí còn đưa ra ý kiến đòi bãi nhiệm HĐQT và BKS. Trong 7 nội dung tờ trình họp ĐHCĐ khi đó, nhóm cổ đông lớn chỉ thông qua duy nhất 1 nội dung là chọn đơn vị kiểm toán năm 2015. Họ chỉ định Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C.
Đơn vị kiểm toán là do nhóm cổ đông lớn lựa chọn, vậy tại sao đến giờ phút này PNC vẫn chưa công bố BCTC HN kiểm toán năm 2015?
Trao đổi nhanh với PV Người Đồng Hành qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Hoạt, Tổng Giám đốc PNC cho biết, vấn đề quan trọng nhất là đơn vị kiểm toán chưa quyết được việc hạch toán 10% hay 20% vốn của PNC tại Megastar. Hiện tại, đơn vị kiểm toán cũng đang có rất nhiều băn khoăn và họ phải xin ý kiến từ Vụ Kế toán kiểm toán, Bộ Tài chính nhưng chưa được trả lời.
Áp lực đối với đơn vị kiểm toán, kế toán là rất lớn. Do đó, ông Hoạt cho biết BCTC HN 2015 vẫn còn dang dở, kéo theo BCTN 2015 chưa được hoàn thành, theo quy định PNC bị ngừng giao dịch đến khi khắc phục được. Mà thời gian khắc phục là khi nào, ông Hoạt nói vẫn phải chờ.
Câu chuyện của PNC ngoài việc tranh cãi giữa nhóm cổ đông lớn và ban lãnh đạo về con số 10% hay 20% vốn tại Megastar còn là khoản nợ vay 7 triệu USD của PNC với Tập đoàn CJ Hàn Quốc. Đỉnh điểm của những tranh cãi này được thể hiện rõ tại ĐHCĐ bất thường của PNC vào tháng 10/2015, suốt 3 giờ đồng hồ là tranh luận nảy lửa. Đến mức, 1 cổ đông nhỏ lẻ phải thốt lên: "Không phải cổ đông đang xung đột với lãnh đạo PNC mà là nhóm cổ đông lớn xung đột với lãnh đạo. Tôi đề nghị chủ tọa cứng rắn chỉ đạo Đại hội và tiến hành nghiêm túc. Tôi không có thời gian để ngồi nghe các vị cãi nhau tay đôi".
Sau một hồi giải trình các vấn đề mà nhóm cổ đông lớn đưa ra nhưng không nhận được sự đồng thuận, bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT PNC khẳng định: “Cổ đông các anh đang bới lông tìm vết. Hành vi của các anh chị không có tốt gì cho PNC”.
Từ những lùm xum đó mà đến nay, PNC vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung giữa ban lãnh đạo và nhóm cổ đông lớn. Tương lai PNC sẽ đi về đâu khi mà vấn đề của nhóm cổ đông và ban lãnh đạo bàn luận trong cuộc họp ĐHCĐ không phải là chiến lược phát triển PNC. Câu trả lời có lẽ sẽ được hé lộ trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2016 sẽ tổ chức vào ngày 30/6 tới đây. Nhóm cổ đông lớn sẽ tiếp tục dùng quyền của mình phủ quyết tất cả nội dung tờ trình? Sẽ đòi bãi nhiệm HĐQT và BKS ?....
Quyền lực của nhóm cổ đông trong cơn "đối đầu" với ban lãnh đạo không chỉ xảy ra ở PNC mà còn ở nhiều doanh nghiệp khác. Không chỉ là cổ đông trong nước mâu thuẫn với ban lãnh đạo, nhiều cổ đông ngoại cũng dùng quyền phủ quyết của mình để "làm khó". Ví dụ cái tên Red River Holding (RRH) đã từng gây sóng gió với VCS, NNG hay EVE, mà điển hình tại CTCP Everpia Việt Nam (Mã: EVE - HoSE).
Tại ĐHCĐ 2014, RRH kiến nghị nâng cổ tức từ 11% lên 35% mà không được chấp thuận nên quỹ này phủ quyết các tờ trình. Đến ĐHCĐ 2015, quỹ này không trực tiếp tham dự mà ủy quyền cho một luật sư dự họp. Các chất vấn lại xoay quanh việc EVE không hợp tác giúp RRH thoái vốn hay tốc độ tăng trưởng của EVE không như cam kết.
Gần đây nhất, Eximbank (Mã: EIB - HoSE) là một ví dụ cho những căng thẳng triển miên và những mâu thuẫn không thể gọi tên giữa hai nhóm cổ đông và ban lãnh đạo. Hai nhóm cổ đông lớn ứng cử người đại diện vào HĐQT nhưng ban lãnh đạo có ý kiến thời điểm hiện tại chưa phù hợp, song vẫn xin ý kiến biểu quyết của ĐHCĐ. Tuy nhiên, lần họp ĐHCĐ thường niên đầu tiên, hai nhóm cổ đông có tới nhưng không tham dự, khiến EIB phải tổ chức lần thứ hai.
Tại ĐHCĐ thường niên lần 2, hai nhóm cổ đông đã làm nóng hội trường ngay từ những phút đầu khi dồn lên bàn chủ tọa, đòi phủ quyết Quy chế Đại hội, rồi không đồng ý tư cách bàn chủ tọa. Trong quá trình họp, các cổ đông này tranh cãi khá gay gắt với ban lãnh đạo về những chuyện "bên lề", thay vì có những ý kiến bàn luận về chiến lược kinh doanh của EIB cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng của ngân hàng này.
Những ý kiến trái chiều giữa hai nhóm cổ đông và ban lãnh đạo có lẽ xuất phát từ "những chiếc ghế". Câu chuyện của EIB còn nối dài khi mà hai nhóm cổ đông này có đơn kiện lên NHNN, đòi bãi miễn HĐQT và BKS, nêu ra những sai phạm của EIB trong khi quá trình tổ chức ĐHCĐ thường niên. Được biết, vào ngày 6/6, lãnh đạo EIB đã có cuộc làm việc với NHNN về các vấn đề trên. Tuy nhiên đến nay, nội dung cuộc họp cũng như các kết luận chính thức vẫn chưa được 2 bên công bố.
Vào tháng 8 tới đây, EIB tiếp tục tổ chức ĐHCĐ bất thường để bàn về vấn đề nhân sự cũng như thông qua các nội dung từ ĐHCĐ thường niên lần 2 (đang họp thì phải tạm ngừng do nguyên nhân bất khả kháng). Cuộc đối đầu giữa 2 nhóm cổ đông và ban lãnh đạo sẽ ra sao tại Đại hội tới còn là một ẩn số. Tuy nhiên, nhìn vào nội tại "sức khỏe" của EIB, nhiều người cho rằng việc đồng lòng giải quyết các tồn đọng sẽ tốt hơn là trong gian khó, cổ đông và ban lãnh đạo bất đồng.
Hẳn nhiên, sẽ không nhà đầu tư hay cổ đông nào muốn nhìn thấy cổ phiếu ngừng giao dịch, giá cổ phiếu rơi "cắm đầu" hay doanh nghiệp làm ăn sụt giảm.
Theo NDH