HoREA: Kiến nghị phát triển nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa gửi Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và các Bộ, ngành những kiến nghị đáng lưu ý.

[caption id="attachment_19058" align="aligncenter" width="500"]HoREA: Kiến nghị phát triển nhà ở xã hội. HoREA: Kiến nghị phát triển nhà ở xã hội.[/caption]

Theo báo cáo của HoREA, TPHCM hiện còn 52 dự án chưa thể triển khai được do chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó có 23 dự án đã giải phóng trên 80% và 29 dự án dưới 80% diện tích đất dự án.

Để dự án được triển khai, Sở Xây dựng đã có kiến nghị với UBND thành phố, cho phép chủ đầu tư và các hộ dân thuê 02 đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất xác định mức giá để thỏa thuận việc bồi thường với dự án đã GPMB trên 80%. HoREA đề nghị Ủy ban đồng ý với kiến nghị này.

HoREA đề nghị cho chuyển nhượng dự án sau khi đã GPMB, coi chuyển nhượng dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư có nhu cầu.

Nếu bên chuyển nhượng dự án chưa làm xong thủ tục thì bên nhận chuyển nhượng sẽ tiếp tục hoàn tất các thủ tục còn lại theo quy định. Được như vậy nhà đầu tư mới có điều kiện đẩy nhanh việc thực hiện dự án, góp phần giải quyết hàng tồn kho trên thị trường bất động sản.

HoREA kiến nghị bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách, có tính đến đặc thù của các đô thị đặc biệt như TP Hà Nội, TPHCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao để phát triển nhà ở xã hội (NOXH).

Về trách nhiệm của chủ đầu tư của tất cả các dự án nhà ở thương mại, phải dành 20% quỹ đất kinh doanh của dự án để tham gia chương trình phát triển NOXH. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển NOXH.

Theo quy định, các dự án có quy mô từ 10 ha trở lên phải xây NOXH trong dự án, điều này có thể chưa phù hợp với một số dự án lớn đặc thù. HoREA đề nghị cho phép thực hiện một trong 3 phương án; hoặc NOXH tại dự án, hoặc hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ NOXH có giá trị tương đương tại vị trí khác, hoặc thanh toán bằng tiền, tùy theo điều kiện cụ thể của từng dự án.

HoREA đề nghị cho cho chủ đầu tư (công ty mẹ) khi thực hiện nghĩa vụ làm NOXH trong quỹ đất 20% thì được giao cho đơn vị thành viên (công ty con) để thực hiện nghĩa vụ này, mà không phải thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án như thủ tục hiện nay.

Theo HoREA, nên cho chủ sở hữu NOXH sau 10 năm sử dụng mới bán nhà thì không phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất phân bổ cho căn nhà. Quy định hiện nay chỉ cho phép được chuyển nhượng NOXH sau khi sử dụng tối thiểu 05 năm nhưng phải nộp 50% tiền sử dụng đất phân bổ cho căn hộ đó, hoặc nộp 100% tiền sử dụng đất đối với NOXH thấp tầng.

Cùng với đó, nên cho người thuê NOXH chỉ phải đặt cọc từ 01-03 tháng tiền thuê nhà như thông lệ ngoài xã hội thay vì phải đặt cọc trước từ 03-12 tháng như hiện nay.

HoREA cũng đề nghị thành phố lập quy hoạch và kế hoạch phát triển các dự án NOXH (có thể kết hợp với nhà ở thương mại giá thấp) tại các quận ven, huyện ngoại thành trên cơ sở tận dụng quỹ đất nông trường, kho, xưởng, mặt bằng dôi dư được sắp xếp lại; Tập trung khai thác quỹ đất 20% (và cả nguồn tài chính tương đương) từ các dự án nhà ở thương mại.

Hiện nay, với cơ chế, chính sách mới ngày càng hoàn thiện, mặc dù chỉ được hưởng lợi nhuận định mức tối đa không quá 10% chi phí đầu tư dự án, nhưng đã có nhiều DN bất động sản mong muốn được tham gia chương trình phát triển NOXH của thành phố.

“Thành phố đã, đang và sẽ còn thực hiện nhiều công trình trọng điểm để phục vụ mục tiêu phát triển, nên rất cần có sẵn quỹ nhà tái định cư, và phục vụ tạm cư”, HoREA cho biết.

TPHCM có nhiều khu nhà tái định cư rất lớn như: Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), Phú Mỹ (quận 7), Bình An, An Phú (quận 2)… Càng về sau này, các khu nhà tái định cư càng được xây dựng hiện đại, đầy đủ tiện ích, có cả phòng tập thể dục, công viên, sân chơi, hồ bơi, khu thương mại …

Nhưng trên thực tế, có những khu nhà tái định cư chưa được lấp đầy, như Khu nhà tái định cư Vĩnh Lộc B có 1.939 căn hộ và 529 nền nhà nhưng mới có 306 căn hộ và 222 nền được bàn giao và bố trí dân vào ở, chiếm tỷ lệ khoảng 15%, bởi không phù hợp với nhu cầu mưu sinh, khó kiếm việc làm.

Đây là nguyên nhân khiến nhiều người dân không về khu tái định cư. Và phần đông người dân vẫn e ngại về chất lượng nhà ở, chi phí hàng tháng, thiếu tiện ích nội khu và ngoại khu, giao thông không thuận lợi.

Bên cạnh đó, còn có một số người dân không đủ khả năng tài chính để trả bổ sung phần diện tích tăng thêm do căn hộ tái định cư lớn hơn (Ví dụ: Căn hộ chung cư Vĩnh Lộc B có diện tích từ 42m2-68m2, trong lúc căn nhà cũ của người tái định cư có trường hợp chỉ có diện tích khoảng trên dưới 20m2, nên người tái định cư phải trả thêm tiền phần diện tích chênh lệch này).

Để khắc phục tình trạng trên, HoREA kiến nghị cần có điều tra xã hội học thật kỹ lưỡng từng hộ tái định cư để nắm rõ tâm tư nguyện vọng, nhu cầu nhà ở, mưu sinh, tái đào tạo… trước khi lập dự án; Nâng cao chất lượng quy hoạch khu tái định cư, thiết kế căn hộ phù hợp; Đảm bảo đầy đủ tiện ích nội khu và tiện ích ngoại khu; Tạo ra được một số công ăn việc làm tại chỗ hoặc trong khu vực lân cận; Kết nối giao thông thuận tiện, nhanh chóng, có tuyến xe buýt…

Theo Thời Báo Ngân Hàng

 
Tags:

Đề xuất đáng lưu ý về nhà ở xã hội

Nhu cầu cấp thiết của người dân với loại hình nhà ở xã hội (NƠXH), nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, người lao động trong các khu công nghiệp, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… xưa nay vẫn luôn là một vấn đề “nóng” trong xã hội. Vì vậy, sau khi một báo cáo đề xuất của UBND TP Hà Nội được công bố mới đây, không chỉ người dân, mà chính quyền nhiều tỉnh, thành khác cũng rất quan tâm, trông đợi.

Video