Họp bàn về trái phiếu, Bộ trưởng Tài chính nói “lúc khó khăn khoanh tay chờ nhau thì sập là sập hết”

Gặp gỡ các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các Sở giao dịch chứng khoán tại buổi họp bàn về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp tổ chức ngày 23/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các doanh nghiệp nói hết khó khăn, vướng mắc để chung tay khắc phục, lấy lại niềm tin thị trường vốn.

"Hội nghị Diên Hồng" giữa nhà nước với doanh nghiệp trái phiếu

Như Dân Việt đưa tin, sáng 23/11, Bộ Tài chính tổ chức họp bàn với các lãnh đạo doanh nghiệp, công ty chứng khoán, công ty phát hành trái phiếu lớn trên thị trường để ghi nhận, lắng nghe và gỡ rối cho doanh nghiệp, cùng ngồi lại tìm giải pháp cứu thị trường trái phiếu đang rất khó khăn sau nhiều vụ gian lận liên quan đến hàng loạt ông lớn như Tân Hoàng Minh, FLC… khiến niềm tin thị trường mất đi, nhiều nhà đầu tư tháo chạy, ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn trung và dài hạn của các doanh nghiệp.

Họp bàn về trái phiếu, Bộ trưởng Tài chính nói “lúc khó khăn khoanh tay chờ nhau thì sập là sập hết” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh Bộ Tài chính)

Trong bối cảnh đó, thị trường tiền tệ đang có xu hướng thắt chặt về tín dụng cho hay ở một số lĩnh vực bất động sản, lãi suất tăng… bối cảnh khiến nhiều doanh nghiệp và chuyên gia lo ngại hiệu ứng các vụ án lớn về trái phiếu sẽ gây đổ vỡ thị trường vốn, bất động sản…

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cả hệ thống cố gắng làm thế nào để chống dịch, làm thế nào để có được tiền mua được vaccine và chúng ta đã làm được. Đến nay, khi thị trường trái phiếu có một số vụ việc ảnh hưởng đến thị trường, đòi hỏi làm thế nào để chúng ta chung ta giữ niềm tin, giữ ổn định để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ông Phớc kêu gọi bản thân các doanh nghiệp tham gia thị trường trái phiếu: "Mọi người cố gắng lên một chút để lấy lại niềm tin của thị trường, niềm tin của nhà đầu tư, cùng chung tay thúc đẩy thị trường phát triển và cũng chính là thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển".

Theo Bộ trưởng Tài chính, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tham mưu giảm thuế 232.000 tỷ đồng; cố gắng giảm giá xăng dầu; thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

"Chúng tôi đề ra chính sách hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp hay dành gói phục hồi kinh tế 347.000 tỷ đồng để làm đường cao tốc, kinh tế số, cho vay mua nhà… rất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế", ông Phớc nêu.

Tuy nhiên, ông Phớc cho rằng: "Nhưng nếu thị trường vốn thất bại, thì các giải pháp khác cũng thất bại. Cho nên chúng tôi mong các doanh nghiệp, chuyên gia quyết tâm cố gắng hơn, minh bạch và nghiêm túc hơn nữa để giữ chữ tín của khách hàng để nền kinh tế phát triển".

Bộ trưởng Tài chính cam kết: Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp sau đó sẽ nhóm họp các Bộ ngành như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ KH&ĐT… để thống nhất các giải pháp thời gian tới, sau đó trình Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo nhất quán trong phân công nhiệm vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường vốn, kinh tế để trong lúc khó khăn như này chúng ta mới vượt qua được.

Ông Phớc khẳng định, đây là lúc cả nhà nước và doanh nghiệp cùng ngồi lại bàn giải pháp và cùng giúp nhau vượt qua. "Lúc khó khăn như này mà khoanh tay chờ nhau thì nếu sập sẽ sập hết. Phải giữ được thị trường tài chính, tiền tệ. Nếu chính sách tiền tệ thất bại thì chính sách tài khoá cũng thất bại. 

"Chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến sự phát triển, năng lực doanh nghiệp không còn nữa thì đương nhiên, không thu được thuế thì ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách tài khoá ngay", ông Phớc chia sẻ.

Trao đổi với báo chí bên hành lang buổi họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, phụ trách điều hành Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, kiêm người phát ngôn Bộ Tài chính nói thêm: "Bộ Tài chính khuyến nghị các công ty thành viên thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn, có trái phiếu đến hạn năm 2023 lắng nghe và tiếp tục tạo niềm tin thị trường bền vững".

"Bộ Tài chính luôn khuyến nghị họ phát biểu khó khăn, vướng mắc của thị trường tài chính, tiền tệ. trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng và Chính phủ để có giải pháp trước mắt và lâu dài, để củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà đầu tư, để thị trường vốn phát triển mạnh mẽ", ông Chi nói.

Đồng thời chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm với các nhà đầu tư dựa trên các cam kết với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ rà soát các khung pháp lý, thậm chí cả Nghị định 65/2022 vừa đưa ra. 

Theo An Linh (Dân Việt)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video