Gấp rút nâng cao năng lực quản trị
Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước vận hội mới - hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện với thế giới, cơ hội mở rộng thị trường với nhiều nền kinh tế lớn: Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan, Hàn Quốc, EU, TPP...
Hội nhập sâu, rộng
AEC sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 31/12/2015, đây được xem là bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Bộ Công Thương cho biết, khi AEC được thành lập, doanh nghiệp Việt sẽ có thị trường rộng hơn nhưng đồng thời sức ép cũng cao hơn, đồng thời xuất hiện những yêu cầu ngày càng cao với hàng xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng nhằm bảo hộ cho thị trường nội địa của từng nước.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, đã ví von rào cản kỹ thuật của các nước “muôn hình vạn trạng”, chi tiết, thậm chí lắt léo, như bao bì bánh đậu xanh xuất sang một số thị trường bị yêu cầu đến 5 lớp bao bì bảo quản. Khi đó, doanh nghiệp Việt muốn vào thị trường thì buộc phải liên kết với các doanh nghiệp nước đó, hoặc như hàng rào tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của châu Âu từng áp dụng với Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt, nhất là với hàng tiêu dùng, bởi với hơn 600 triệu dân, AEC là thị trường lớn thứ 7 của thế giới về hàng hóa và thứ 3 về dân số, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước ASEAN sẽ không chỉ ở mức 18% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu như hiện nay. “Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tạo bản sắc riêng trong từng sản phẩm, nếu không có khác biệt sẽ bị người tiêu dùng bỏ qua, tránh đầu tư dàn trải”, chuyên gia kinh tế này chia sẻ.
Khi tham gia các FTA này, một số ngành nông nghiệp mà Việt Nam có lợi thế sẽ tận dụng được cơ hội từ việc hội nhập để có nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và giảm chi phí đối với hàng hóa xuất khẩu. Tuy vậy, một báo cáo của Bộ Tài chính cũng đưa ra cảnh báo đáng chú ý: Những lợi ích mà FTA mang lại cũng sẽ tạo ra nguy cơ phụ thuộc ngày càng tăng vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và giảm đầu tư cho sản xuất tự cung cấp trong nước. Đặc biệt, nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi mức độ ưu đãi về thuế ngày càng cao từ các thị trường nước ngoài.
Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cho biết, khi AEC và các FTA có hiệu lực, dù thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng nhưng tỷ lệ cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng sẽ khốc liệt hơn. Vị này đánh giá, nguồn vốn được luân chuyển qua lại giữa các nước sẽ tạo nên sức ép lên doanh nghiệp Việt. Mặt khác, Việt Nam đang “khát” nguồn nhân lực có chất lượng, đây là rào cản lớn để doanh nghiệp Việt muốn cạnh tranh với doanh nghiệp các nước.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM nhìn nhận, AEC ra đời sẽ tạo cơ hội để dịch chuyển lao động có chất lượng, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức lớn cho lao động Việt Nam. Theo ông Tuấn, người lao động Việt Nam có điểm yếu là thiếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp, trình bày, tinh thần đồng đội, vi tính, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, kỷ luật và trách nhiệm... Mặt khác, việc dịch chuyển lao động có kỹ năng cũng là thách thức lớn, trong khi lao động có tay nghề và chuyên môn cao từ các nước ASEAN sẽ vào Việt Nam làm việc, cạnh tranh mạnh mẽ với lao động trong nước.
Liên kết, nâng cao năng lực quản trị
Để chuẩn bị hội nhập sâu rộng, theo ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam phải phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, thu hẹp phạm vi doanh nghiệp nhà nước và nhìn nhận nghiêm túc năm 2015 phải là “năm (của) doanh nghiệp”, cần sự đồng thuận từ Chính phủ tới các bộ ngành để làm được nhiều việc hơn cho doanh nghiệp.
Trong cuộc tọa đàm “Hội nhập quốc tế - Một số vấn đề đặt ra với nước ta từ năm 2015” vừa tổ chức tại TP.HCM, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, để có thể tham gia và tranh thủ được tối đa lợi ích của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất của khu vực ASEAN và toàn cầu, bản thân doanh nghiệp Việt phải gấp rút nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh, chuẩn bị sẵn sàng nội lực để tham gia AEC. “Các doanh nghiệp phải là người đầu tiên nắm bắt được những cơ hội do tiến trình hội nhập quốc tế đem lại, và cũng cần là những người đầu tiên biết cách vượt qua những khó khăn, thách thức sẽ gặp phải khi tham gia sâu rộng vào sân chơi khu vực và toàn cầu”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, “cuộc chơi hội nhập” sẽ có hai khả năng, hoặc Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp để các nước phát triển tiêu thụ, hoặc Việt Nam sẽ mất đi khả năng sản xuất và cạnh tranh, tự biến mình trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm màu mỡ cho các nước. Do vậy, để tồn tại, doanh nghiệp Việt cần liên kết với nhau thành chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư để cùng vượt qua thử thách nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh cho nhau.
“Dù không còn nhiều thời gian để chuẩn bị, nhưng không thể buông xuôi, thị trường nội địa vẫn còn rất rộng để doanh nghiệp Việt đầu tư và phát triển”, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.
Theo thống kê, hiện có khoảng 75% doanh nghiệp Việt tập trung phát triển hệ thống phân phối sản phẩm trong nước, Thái Lan đang chiếm khoảng 30% - 40% hệ thống phân phối tại Việt Nam, do vậy, doanh nghiệp Việt cần giữ vững phần còn lại với lợi thế sân nhà. Mặt khác, doanh nghiệp Việt chủ yếu suy nghĩ cách tiếp cận thị trường Mỹ, EU, Nhật và các nước có nền kinh tế phát triển mà đánh giá thấp thị trường các nước trong khu vực ASEAN, đây cũng là yếu tố bất hợp lý trong tư duy nếu người Việt lẫn doanh nghiệp Việt nhìn nhận thị trường theo hướng này.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để tận dụng được các cơ hội, hạn chế, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro, Việt Nam phải nỗ lực cải cách mạnh mẽ, nhanh và toàn diện về thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách theo nguyên tắc của kinh tế thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hệ thống doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, giảm thiểu vai trò doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động nghề và nhân lực trình độ cao; chiến lược phát triển thị trường nội địa và nước ngoài; cần đặt trọng tâm vào vấn đề xây dựng năng lực thương mại trong chiến lược phát triển kinh tế. Thời gian tới, còn nhiều thách thức cần phải vượt qua để đạt được các mục tiêu trên.
Theo DN&ĐT