Doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ: “Đóng cửa” với mức thuế 2%
Với mức thuế 2% áp dụng cho mặt hàng dăm gỗ, đang đẩy các DN kinh doanh trong lĩnh vực này đứng trước bài toán nan giải về hàng tồn kho lớn.
Theo số liệu báo cáo, giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) dăm gỗ của VN 5 tháng đầu 2016 giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch XK đạt 248 triệu USD, chỉ tương đương với 58% kim ngạch cùng kỳ (430 triệu USD); lượng XK chỉ đạt 1,8 triệu tấn, bằng 61% so với cùng kỳ năm 2015.
[caption id="attachment_30919" align="aligncenter" width="588"]
Gặp khó trong đàm phán hợp đồng
Tính toán của DN cho thấy, mức thuế xuất khẩu 2% tương đương với mức tăng 2,5-2,8 USD Mỹ/tấn dăm trong cơ cấu giá thành dăm gỗ xuất khẩu. Với cấu thành như trên, các DN dăm gỗ gặp khó khăn khi đàm phán các hợp đồng mua bán với khách hàng, do giá thành cao trong lúc thị trường đang giảm giá mạnh.
Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, sự sụt giảm về khối lượng dăm gỗ XK đang và sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực không chỉ đối với các DN trực tiếp tham gia chế biến dăm gỗ XK, mà còn tác động đến hàng trăm nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động khác tham gia các khâu của chuỗi cung ứng. Từ nay đến cuối 2016 nếu vẫn áp dụng thuế suất 2% thì ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ sẽ chỉ đạt ở mức trên dưới 600 triệu USD, bằng khoảng 1/2 kim ngạch của năm 2015; lượng dăm xuất khẩu cả năm sẽ chỉ đạt trên dưới 7 triệu tấn, tương đương với khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu của 2015.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nị – Giám đốc Cty TNHH Nguyên liệu giấy Dung Quất cũng cho rằng, hiện nay, 70% gỗ rừng trồng là hộ gia đình tập trung tại trung du và miền núi. Việc bán sản phẩm nguyên liệu gỗ rừng trồng cho các nhà máy chế biến sản phẩm đồ gỗ, ván ép, ván MDF hoặc chế biến gỗ dăm xuất khẩu là sự lựa chọn của người trồng rừng. Thị phần co hẹp và mức giá xuất khẩu giảm buộc các DN chế biến dăm hoặc phải giảm giá thu mua nguyên liệu gỗ đầu vào từ 6 – 8%., chủ yếu từ các hộ gia đình hoặc phải chấp nhận cắt giảm lợi nhuận nhằm duy trì thị trường.
Cần có đánh giá sâu
Ông Nguyễn Như Xuân – Phó TGĐ Cty TNHH sản xuất nguyên liệu giấy VN Vijachip kiến nghị, nếu có thể, các cơ quan chức năng nên tạm dừng hoặc miễn thuế xuất khẩu.
Tuy vậy, theo các cơ quan quản lý xuất khẩu, dăm vẫn được coi là xuất khẩu nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý và một số ý kiến từ ngành chế biến đồ gỗ xuất khẩu cho rằng, sự phát triển của ngành dăm làm mất nguồn cung gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ, kéo dài sự lệ thuộc của ngành chế biến đồ gỗ vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Các quan điểm này đã được thể hiện trong định hướng của Chính phủ, bao gồm một số cơ chế chính sách nhằm hạn chế sản xuất và xuất khẩu dăm. Tuy nhiên, trên thực tế, ngành dăm lại là ngành giải quyết rất tốt vấn đề an sinh xã hội, sinh kế cho người dân trồng rừng… Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ DN trong việc tham gia chế biến tinh sâu, nâng cao giá trị kim ngạch kim ngạch.
Đại diện Cty TNHH Hào Hưng cho rằng, để chính sách thuế không gây khó cho DN xuất khẩu dăm gỗ, cơ quan quản lý cần có những đánh giá sâu và toàn diện về thực trạng của ngành chế biến xuất khẩu dăm hiện nay của VN. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có những đánh giá khách quan về thực trạng của hộ gia đình trồng rừng có tác động trực tiếp đến quyết định của hộ gia đình trong việc sử dụng sản phẩm gỗ rừng trồng để làm dăm hay các sản phẩm khác… vị đại diện này chia sẻ.
Theo Enternews