Điều tra công ty ‘ma’ nhập hàng Trung Quốc, gắn mác Asanzo

Công an TP.HCM đang thụ lý điều tra hình sự vụ 1 công ty ma nhập khẩu hàng hoá nghi trốn thuế để bán trong nước mang thương hiệu Asanzo.

Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ - Công an TP.HCM đang tiếp nhận hồ sơ do Cục Hải quan TP.HCM chuyển giao, vì xác định vụ việc có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế Nhà nước.

Thông tin ban đầu cho hay, giai đoạn tháng 9/2018 công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh (trụ sở đường Trần Xuân Soạn, Q.7) có mở tờ khai hải quan nhập khẩu lô hàng từ nước ngoài về.

Điều tra công ty ‘ma’ nhập hàng Trung Quốc, gắn mác Asanzo - Ảnh 1.

Sản phẩm lò nướng mang thương hiệu Asanzo nghi nhập lậu từ Trung Quốc về và đang bị điều tra

Khi lô hàng về đến Việt Nam qua đường Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 thì phát hiện có nhiều nghi vấn nên Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Chi cục Hải quan trên để tiến hành kiểm tra.Theo khai báo của công ty Sa Huỳnh, lô hàng có xuất xứ Trung Quốc. Hàng là linh kiện của lò nướng thuỷ tinh gồm: nắp đậy nhựa, chậu thuỷ tinh, bộ đếm thời gian của lò nướng… Khai báo còn cho hay, đây là hàng mới 100%, có tổng giá trị là 212 triệu đồng.

Cơ quan chức năng phát hiện lô hàng là 1.300 bộ lò nướng thuỷ tinh dạng nguyên bộ chứ không phải dạng linh kiện như công ty Sa Huỳnh khai báo. Mỗi bộ được tháo rời thành 3 bộ phận gồm: nắp đậy nhựa, chậu thuỷ tinh, bộ đếm thời gian.

Đáng nói tất cả lô hàng không ghi rõ xuất xứ nhưng có mang thương hiệu Asanzo.

Bất ngờ là, khi lô hàng bị Cục Hải quan TP.HCM “vịn”, lập tức phía công ty Sa Huỳnh có văn bản giải trình là phía đối tác có sự nhầm lẫn, đã gửi nhầm hàng. Cục Hải quan mời người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Huỳnh Thị Sà Quôl lên làm việc, nhưng bà này không có mặt. Bà Quôl uỷ quyền cho ông Huỳnh Thế Tài lên làm việc nhưng ông này cũng.. mù mờ.

Xác minh thêm, bà Quôl cho biết, thông tin thành lập công ty Sa Huỳnh đúng là của bà nhưng bà hoàn toàn không biết gì, có người mạo danh để làm ăn phi pháp. Bà Quôl cũng mong muốn cơ quan chức năng làm rõ việc này.

Điều tra công ty ‘ma’ nhập hàng Trung Quốc, gắn mác Asanzo - Ảnh 2.

Sản phẩm lò nướng Asanzo hiện bán khá nhiều trên các kênh thương mại điện tử và giá thành khá cao

Bà Quôl cho biết, quê Sóc Trăng, từng có thời gian cùng chồng làm công nhân tại nhà máy của Asanzo tại TP.HCM nhưng sau đó xin nghỉ về quê vì lý do gia đình. Bà thừa nhận, không có trình độ và không biết cái công ty Sa Huỳnh đó là công ty nào.

Khuất tất hồ sơ giấy tờ công ty

Quá trình lực lượng Hải quan làm rõ lô hàng thì ông Huỳnh Thế Tài và ông Trương Ngọc Liêm đến làm việc và cho biết, có hùn vốn mở công ty Sa Huỳnh nhưng sau đó thuê bà Quôl làm giám đốc. Khi lô hàng nói trên bị lực lượng Hải quan “vịn” thì 2 ông có nói với bà Quôl ra làm việc, giải quyết nhưng bà không đồng ý.

Khi đó những người này đã giả mạo giấy tờ thể hiện bà Quôl ủy quyền cho ông Tài để đi làm việc với hải quan. Sau đó nhóm người đã làm thủ tục chuyển đổi để ông Liêm đứng tên là đại diện pháp luật, giám đốc của công ty Sa Huỳnh.

Đáng nói, những hồ sơ, giấy tờ có chữ ký, bút tích của bà Quôl được xác định là giả mạo. Ông Liêm cũng đã thừa nhận việc này.

Do xác định vụ việc có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế và đánh tráo hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt nên Cục Hải quan TP.HCM đã chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý.

Gần đây trước thông tin điều tra báo chí về nghi án hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt mang thương hiệu Asanzo khiến dư luận xã hội rất quan tâm, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc xác minh, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu hiện có nhiều công ty có liên quan đến thương hiệu Asanzo tại Việt Nam. Vụ việc của công ty Sa Huỳnh được cho là 1 trong số các công ty có kinh doanh hàng hoá nghi từ Trung Quốc nhập về gắn mác xuất xứ tại Việt Nam để bán ra thị trường trường trong nước.

Theo Phước An (Vietnamnet)

'Ông lớn' cung cấp trái cây Trung Quốc bị điều tra, Bộ Công Thương nêu khuyến cáo với doanh nghiệp Việt

Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động rà soát các hợp đồng, giao dịch và lô hàng có liên quan đến Công ty hữu hạn cổ phần sản phẩm trái cây Hồng Cửu Trùng Khánh hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc đang bị điều tra, nhằm đề phòng rủi ro về tài chính, thanh toán...

Siết chặt kỷ cương, xóa bỏ lãng phí hướng tới một nền hành chính liêm chính và hiệu quả

Chiến lược quốc gia phòng, chống lãng phí đến năm 2035 được thực hiện theo hai giai đoạn, với mục tiêu xuyên suốt là ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng sử dụng lãng phí nguồn lực, xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ đặt kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ lọt vào top 50 quốc gia dẫn đầu thế giới về chính phủ điện tử và đứng thứ 3 trong ASEAN về phát triển kinh tế số.

Video