Đích ngắm mới của Thành Thành Công
Chuyển mục tiêu ưu tiên từ tài chính địa ốc sang tập trung “nghề truyền thống” mía đường, Thành Thành Công sau một giai đoạn dài thực thi chiến lược tái cơ cấu, đến nay có diện mạo một tập đoàn tư nhân đa ngành, với sự chuyên sâu ở lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể là thị trường “ngọt nhưng vô cùng nóng” mà Thành Thành Công đặt mục tiêu chiếm hữu 30% thị phần. Nhưng Thành Thành Công sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
[caption id="attachment_22902" align="aligncenter" width="700"]
Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công cho biết, tập đoàn hiện đang hoạt động với 5 lĩnh vực cơ bản: BĐS, mía đường, năng lượng, du lịch và giáo dục. Với 23 Cty thành viên và đơn vị liên kết, để đạt mục tiêu trở thành tập đoàn đầu tư đa ngành mạnh cả về quy mô, chuyên nghiệp, bền vững, Thành Thành Công vẫn ấp ủ những kế hoạch mới, trong đó có những đích nhắm cho cả 5 lĩnh vực nói trên.
Cuộc chơi hạ tầng mở rộng
Trong lĩnh vực BĐS, hạt nhân của Thành Thành Công khá “đông đảo”, tập trung những Cty lớn, chủ lực của tập đoàn ngoài chuỗi mía đường như Sacomreal, Toàn Thịnh Phát… Ngoài ra, các Cty như Đặng Huỳnh, Toàn Hải Vân, Thành Thành Nam, In Thanh Niên… cũng tham gia trực tiếp hoạt động đầu tư địa ốc.
Tuy nhiên, nếu như Sacomreal đang tái cấu trúc quản trị, tài chính, danh mục dự án và chuyên sâu hướng phát triển dự án sản phẩm địa ốc nhà ở tại phân khúc trung bình cao và cao cấp thì hoạt động M& A của tập đoàn dường như đang tạm thời không do Sacomreal gánh “trọng trách”. Một số các thương vụ M&A mà tập đoàn của ông Đặng Văn Thành thực thi trong thời gian qua, cũng có vẻ là theo định hướng mở rộng quỹ đất – trải lối cho Sacomreal, Toàn Thịnh Phát phát triển về sau.
Điển hình cho các thương vụ đầu tư để mở rộng hạ tầng quỹ đất gần đây là Thành Thành Công đã bất ngờ trở thành cổ đông lớn, nắm tới 35% cổ phần của Tín Nghĩa Corp vào tháng 4/2016. Đây là DN đang sở hữu nhiều khu công nghiệp ở Đồng Nai, Vũng Tàu, cũng như nắm hệ thống phân phối xăng dầu của một trong những địa bàn sầm uất về phát triển công nghiệp nhất khu vực Đông Nam Bộ. Quan trọng hơn, Tín Nghĩa Corp, thông qua CTCP Đầu tư Nhơn Trạch (NIC) , đang sở hữu Khu đô thị Đông Sài Gòn (tại Nhơn Trạch – Đồng Nai) với quy mô lên tới 942 ha. Theo cáo bạch, NIC đã rót vào dự án Đông Sài Gòn 577 tỷ đồng và nộp NSNN 804 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Dự án hiện vẫn đang được hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hình thức cuốn chiếu và dự kiến sẽ là một trong những khu đô thị thu hút đông dân cư sinh sống nhất nhì vùng Đông Nam Bộ (chưa mở rộng).
Giới quan sát nhìn nhận, việc đầu tư vào Tín Nghĩa Corp của ông Đặng Văn Thành thể hiện một chiến lược khá rõ ràng. Bên cạnh đích nhắm BĐS mở rộng, việc trở thành đối tác chiến lược của Tín Nghĩa Corp còn có thể giúp TTC phát triển mảng năng lượng (song song với điện gió mà Thành Thành Công đang làm), lẫn thúc đẩy khai thác mảng du lịch. Vì Tín Nghĩa Corp hiện đang sở hữu một loạt tài sản khác có tiềm năng phát triển du lịch như: Khu du lịch Bàu Trúc, Ninh Thuận (7ha), Cù Lao Tân Vạn (47 ha). Từ du lịch, trở lại với dịch vụ lưu trú mà trong những năm qua, qua con đường M&A, Thành Thành Công đã sở hữu một hệ thống khách sạn cấp trung.
Ngoài mía đường, Thành Thành Công có chè, nước uống. Ai dám nói trong tương lai, Tín Nghĩa hay Thành Thành Công không có sự hợp tác để phát triển tốt hơn mảng nông nghiệp – cà phê, mảng mà Tín Nghĩa đang có kim ngạch xuất khẩu tốt, ở top 10 các DN xuất khẩu cà phê thô lớn nhất của ngành.
Cũng vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Thành Thành Công sẽ không dừng lại ở mức sở hữu 35% Tín Nghĩa Corp, mà nếu có cơ hội và theo lộ trình, 7% cổ phần do cổ đông khác đang nắm giữ hoặc 8% cổ phần TNC đang nằm “trong túi Dragon Capital” đều có thể trở thành đích nhắm tương lai của Thành Thành Công. Tuy nhiên, một chuyên gia cũng thận trọng nhận định trong một Tcty mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối 50% (như Tín Nghĩa), việc một cổ đông tư nhân nắm tới 35% cổ phần cũng đã có tiếng nói chi phối, bởi chỉ 25% cổ phần theo Luật, họ đã đủ “sức mạnh” để ngồi lại hoặc biểu quyết những vấn đề quan trọng của Cty.
Một điều đáng lưu ý là với đích nhắm BĐS mở rộng cả ở hạ tầng lẫn nhà ở , không thể bỏ qua “mắt xích” quan trọng của Thành Thành Công là Toàn Thịnh Phát. Ngoài một loạt dự án BĐS du lịch mà Toàn Thịnh Phát thông qua Cty Toàn Hải Vân đang sở hữu tại “điểm nóng” Phú Quốc, Toàn Thịnh Phát có lẽ là một trong những nhà đầu tư địa ốc bền bỉ nhất ở khu vực Đồng Nai. Cty này đã phát triển nhiều dự án mang thương hiệu The Pegasus tại Biên Hòa và Bình Thuận… Theo đó, chiến lược “tích hợp” từ cơ sở hạ tầng mở rộng thông qua hoạt động đầu tư M&A đã và đang là điều hiển nhiên để Thành Thành Công “quy hoạch” vùng trọng điểm hoạt động của mình tại Đồng Nai.
Giáo dục – Đa dạng nhu cầu thị trường với M&A
Cty thành viên đầu tư giáo dục chính của Thành Thành Công có tên CTCP Giáo dục Thành Thành Công – TTCEdu. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thanh Diệp – TGĐ TTC Edu, hiện Cty này đang sở hữu 12 trường, gồm 10 trường từ mầm non đến trung học, 1 trường Cao đẳng và 1 trường Đại học với hơn 12.000 học sinh -sinh viên.
Tất cả trường học thuộc hệ thống giáo dục Thành Thành Công tập trung tại Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương và Lâm Đồng. Tất nhiên, với một Cty chỉ mới được thành lập năm 2008, việc sở hữu được hệ thống các cấp bậc giáo dục hoàn thiện như TTCEdu sẽ là điều bất khả kháng, nếu trước đây CTCP Giáo dục Toàn Thịnh Phát, tiền thân của TTC Edu, không mạnh tay trong các thương vụ M&A.
Gần đây, bản thân TTCEdu kế thừa “truyền thống” M&A từ chiến lược gia Đặng Văn Thành, cũng đã thực thi những thương vụ đầu tư quyết đoán như đầu tư vào Cao đẳng Sonadezi.
Chủ tịch Thành Thành Công tiết lộ, năm 2016 Thành Thành Công mong muốn tiếp tục đẩy mạnh M&A Giáo dục. Tập đoàn muốn đầu tư vào ĐH Hoa Sen nhưng chưa thúc đẩy mạnh.
Rất có thể, Thành Thành Công đã có một tỷ lệ sở hữu lá phiếu nhất định nào đó tại ĐH Hoa Sen. Nếu đúng như vậy, cục diện tranh chấp giữa Ban điều hành ĐH Hoa Sen hiện tại và nhóm cổ đông được cho sở hữu 65% cổ phần tại ĐH Hoa Sen, sẽ có những chuyển biến nhất định. Quan trọng nhất, nếu Thành Thành Công có chân trong ĐH Hoa Sen thì đó sẽ là “điểm nhấn” hoàn thiện “đẳng cấp” đầu tư của tập đoàn về chất lượng giáo dục đào tạo phân khúc cao cấp.
Nhìn chung, với một tập đoàn lớn, đặc biệt là những tập đoàn đa ngành với các mũi BĐS – dịch vụ, thông thường đều có mong muốn hoặc “dính dáng” đến giáo dục. Sự phụ thuộc về nguồn đầu tư giáo dục, con người sẽ khiến các tập đoàn khó bề chủ động trong cung ứng nhân lực mở rộng của chính mình, chưa kể đây cũng là miền đất siêu lợi nhuận nếu đủ lực đầu tư dài hạn và đúng địa chỉ. Đó có lẽ chính là động cơ khiến thị trường đầu tư giáo dục ở VN vẫn nóng suốt thời gian qua, nhất là ở phân khúc giáo dục đại học.
Nhìn lại những thương vụ và đích ngắm M&A của Thành Thành Công, lại nhớ vũ khí M&A có lực “sát thương” cũng như lực đẩy giúp các nhà đầu tư mở rộng quyền lực sở hữu của mình không nhỏ. Ông Đặng Văn Thành là người đã nếm quả đắng bởi vũ khí M&A từng đẩy ông ra khỏi đứa con mà ông dày công sáng lập – NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal).
Liệu ông có sử dụng vũ khí M&A để trở về với lĩnh vực huyết mạch của mọi huyết mạch đầu tư? Trả lời câu hỏi này, ông Thành cho biết đánh giá chung của ông là thị trường tài chính hiện tại đang rất thuận lợi để đầu tư.
Ông không nói rõ kế hoạch của cá nhân, song, với một nhà đầu tư, sẽ không ai bỏ lỡ cơ hội thuận lợi. Điều ông nói hẳn cũng đã tiết lộ kế hoạch mà ông ấp ủ, có thể không phải là ở ngay thời điểm này, mà ở bất kì thời điểm nào “thiên thời, địa lợi”. Tài chính sẽ vẫn là đích ngắm lớn nhất của cho chính ông và Thành Thành Công.
Theo DĐDN