ĐHCĐ TPBank, HDBank, ACB, MSB, VietinBank, SHB ngày 23/4: Đồng loạt đặt mục tiêu lãi lớn và tăng vốn
17:07 - ĐHCĐ SHB: Tăng vốn thêm hơn 5.500 tỷ, trả cổ tức 2 năm 2017 và 2018 tỷ lệ 21%
Chiều ngày 23/4/2019, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên.
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, năm 2018 ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 323 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước; vốn tự có đạt hơn 22 nghìn tỷ, tăng 23,5%; lợi nhuận trước thuế 2.093 tỷ, tăng 8,8% và vượt 2,1% so với kế hoạch được cổ đông giao.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tiếp tục trong top 5 NHTMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam với mức tăng bình quân tù 15-20%/năm. Thị phần cấp tín dụng mục tiêu tăng 0,4% so với năm 2018, xếp top 5 trong hệ thống NHTMCP tư nhân lớn nhất.
SHB cho biết, dự kiến năm 2019 sẽ thu hồi được 3.500 tỷ đồng nợ xấu, đồng thời sẽ thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, trong đó trích dự phòng rủi ro các khoản nợ đã bán VAMC năm 2019 dự kiến 2.164 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế kế hoạch đạt 3.068 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2018. Vốn điều lệ tăng 55534 tỷ đồng lên 17.571 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 372.917 tỷ đồng, huy động vốn đạt 283.922 tỷ đồng, tăng 16,64%; dư nợ tín dụng đạt 261.592 tỷ đồng, tăng 13%. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2019 dự kiến là 11%.

Ngân hàng này cũng sẽ tăng vốn thêm 5.534 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 21% cho hai năm 2017 và 2018, cùng với phát hành cổ phiếu để bán cho cổ đông (ưu tiên cổ đông hiện hữu). Với số vốn tăng thêm, 4.684 tỷ đồng sẽ được dùng để mở rộng quy mô cho vay, còn lại 850 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, tài sản cố định cho việc phát triển mạng lưới kinh doanh.
Đồng thời SHB sẽ mở ngân hàng con tại Bờ Biển Ngà hình thức 100% vốn của ngân hàng, hoặc góp vốn với ngân hàng bản địa để lập ngân hàng tại đây nhằm khai thác thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam.
12:05 - ĐHCĐ VietinBank: quyết tâm tăng vốn, sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chia, lợi nhuận muốn tăng thêm 40%
Sáng 23/4, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Tại cuộc họp, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, năm 2019, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 2-5%, dư nợ tín dụng tăng từ 6-7%, nguồn huy động thị trường 1 tăng 10-12%, nợ xấu giữ dưới mức 2%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 9.500 tỷ, trong đó, LNTT ngân hàng mẹ tối thiểu đạt 9.000 tỷ. Đây là các chỉ tiêu trong trường hợp VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018.
Chia sẻ tại đại hội, chủ tịch VietinBank cho biết, vốn điều lệ của Vietinbank suốt nhiều năm qua chỉ dừng ở mức hơn 37.000 tỷ (kể từ từ năm 2013 đến nay). Các nguồn lực từ cổ phần hóa, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài,… đã đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của VietinBank trong những năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của ngân hàng vẫn lớn, những năm gần đây, VietinBank tìm nhiều cách để cải thiện vốn tự có, chẳng hạn như phát hành trái phiếu dài hạn, cơ cấu các khoản đầu tư, cơ cấu các khoản góp vốn vào các công ty con,…
Giai đoạn trước, VietinBank tăng trưởng rất nhanh từ 17-20% và trong 5 năm, quy mô ngân hàng tăng gấp 2 lần. Với quy mô hiện nay, tốc độ tăng trưởng của VietinBank phải được điều chỉnh lại, chỉ khoảng 6%, với điều kiện được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, hoặc được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Nếu áp dụng Thông tư 41 thì tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng có thể chỉ dưới 8%, do đó nhu cầu tăng vốn của VietinBank rất cấp bách là như vậy. Trong mọi trường hợp, VietinBank phải chủ động được việc quản trị an toàn vốn, khẩn trương đáp ứng nhu cầu phát triển của ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Sau chia sẻ của ông Thọ, ĐHCĐ VietinBank đã thống nhất phương án chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn điều lệ. HĐQT được ĐHĐCĐ ủy quyền quyết định phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 sau khi có phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ VietinBank cũng đã thông qua nhân sự trúng cử HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 bao gồm: ông Lê Đức Thọ, ông Trần Minh Bình, ông Trần Văn Tần, bà Trần Thu Huyền, ông Nguyễn Thế Huân, bà Phạm Thị Thanh Hoài, ông Hiroshi Yamaguchi, ông Hideaki Takase. Thành viên BKS nhiệm kỳ 2019-2024 bao gồm: bà Lê Anh hà, bà Nguyễn Thị Anh Thư, ông Nguyễn Mạnh Toàn.
11:58 - ĐHCĐ ACB: Đặt mục tiêu lãi gần 7.300 tỷ, tỷ lệ chi trả cổ tức 30%
Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.
Theo báo cáo tại đại hội, năm ACB ghi nhận tổng tài sản và tiền gửi khách hàng lần lượt đạt 98% và 95% kế hoạch, với dự nợ tín dung hoàn thành 101% kế hoạch của cả năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.389 tỷ đồng, vượt 13% so với kế hoạch đề ra.
Năm 2019, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng 7.279 tỷ đồng, tức tăng 14% so với năm 2018; lãi ròng dự kiến đạt 5.823 tỷ đồng. Tổng tài sản dự kiến tăng 15%, trong đó, tín dụng tăng 13% theo hạn mức NHNN phân bổ ngày 14/3/2019. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Ngân hàng cũng chốt phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 3 cổ phiếu), tương đương phát hành thêm tối đa hơn 374 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 3.741 tỷ đồng lên mức 16.627 tỷ đồng.
Với số vốn tăng thêm, ACB dự kiến dùng 2.035 tỷ đồng chi cho hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động. Ngoài ra, còn hơn 1.706 tỷ đồng được dùng để mua sắm thêm tài sản cố định, xây dựng cơ bản, mua sắm công cụ dụng cụ phục vụ hoạt động của ACB.
ACB cũng dự kiến năm sau vẫn chia cổ tức là 30%, tuy nhiên trong đó có 10% bằng tiền mặt, 20% bằng cổ phiếu.
Tại đại hội, ngân hàng cũng thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên. Cụ thể, tổng số lượng cổ phiếu quỹ dự kiến bán tối đa là 6,222 triệu cổ phiếu với giá bán dự kiến không thấp hơn giá vốn bình quân của cổ phiếu quỹ (16.072 đồng/cp), mức giá này cũng đang thấp hơn nhiều so với thị giá cổ phiếu ACB (30.300 đồng/cp). Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu tính theo giá bán dự kiến là 100 tỷ đồng. Số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu quỹ sẽ được sử dụng để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.
11:00 - ĐHCĐ MSB: Muốn xoá sạch nợ tại VAMC, tăng vốn thêm 1.000 tỷ và lợi nhuận 1.860 tỷ
Sáng nay ngày 23/4/2019, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần thứ 27.

Ông Huỳnh Bửu Quang báo cáo kết quả hoạt động 2018
Báo cáo về kết quả hoạt động năm 2019, ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc MSB cho biết, năm 2018 ngân hàng đạt kết quả kinh doanh tốt ở tất cả các mặt.
Cụ thể tổng tài sản tăng 22,7%; tổng doanh thu thuần tăng 25,6% đạt hơn 11.139 tỷ, trong đó riêng thu nhập lãi thuần tăng 81% đạt 2.901 tỷ; lãi thuần từ dịch vụ tăng gấp đôi năm 2017 đạt 271 tỷ và lợi nhuận trước thuế đạt 1.053 tỷ đồng, gấp 6,4 lần so với năm trước.
Kế hoạch 2019, ngân hàng sẽ tăng tổng tài sản thêm 11% lên trên 153.000 tỷ đồng, huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu tăng 22%, tín dụng bao gồm cả cho vay thị trường 1 và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 35%, nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế tăng 77% đạt 1.860 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức 10% nếu được NHNN chấp thuận.
Lãnh đạo MSB cho biết năm 2019 sẽ tập trung xử lý nợ xấu, xoá sạch hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu đã bán cho VAMC bằng cách xử lý tài sản đảm bảo và trích lập dự phòng, và ngân hàng tự tin đủ để trích lập dự phòng vẫn đạt lợi nhuận 1.860 tỷ đồng theo kế hoạch.
Ngân hàng cũng sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong nước để tăng vốn thêm 1.000 tỷ, đồng thời bán hơn 100 triệu cổ phiếu quỹ với giá tối thiểu bằng giá mua vào. Dự kiến trong quý 3, ngân hàng sẽ đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán HSX.
10:43 - ĐHCĐ HDBank: Giữ truyền thống chia cổ tức cao, mục tiêu lợi nhuận 2019 hơn 5.000 tỷ
Sáng ngày 23/4/2019, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHCĐ) 2019.
Năm 2018, HDBank ghi nhận hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, tổng tài sản đạt 216.057 tỷ đồng, tăng 14,1%; Vốn chủ sở hữu đạt 16.828 tỷ đồng, tăng 14%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 129.624 tỷ đồng tăng 17,8%; Tổng nguồn vốn huy động đạt 186.722 tăng 9,5% so với năm 2017. Trong đó, huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế đạt 142.987 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp 1,5%, trong đó tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ là 1,1%; Tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,1%, cao hơn mức 9% theo quy định của NHNN.
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với các chỉ tiêu chính như sau: Tổng tài sản đạt 249.546 tỷ đồng, tăng 16% so với 2018; huy động vốn đạt 224.238 tỷ đồng, tăng 20%; dư nợ tín dụng lên 160.911 tỷ đòng, tăng 24%; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu tăng 27% so với 2018, lên 5.077 tỷ đồng. Các hệ số gồm khả năng sinh lời ROA và ROE giữ mức cao, lần lượt 1,7% và 21,2%, đồng thời tiếp tục mở rộng mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng lên 308 chi nhánh và phòng giao dịch.
Hiện, HDBank đang đứng vị thứ 8 trong hệ thống ngân hàng thương mại, tính trên chỉ tiêu dư nợ…. Còn tính về lợi nhuận thì HDBank chiếm vị thứ 6.
Chiến lược hành động cho năm 2019, HDBank đang có lợi thế về bán lẻ hơn so với đối thủ là hệ sinh thái khách hàng từ Vietjet, HD Saison… Ngân hàng năm nay sẽ tiếp tục triển khai giải pháp công nghệ, lựa chọn đối tác để khai thác mạnh hơn hệ sinh thái khách hàng đang có.
Cổ đông cũng nhất trí phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và cổ phiếu thưởng. Theo đó, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 2.943 tỷ lên 12.753 tỷ đồng. Khi hoàn tất, kế hoạch tăng vốn này sẽ giúp HDBank nâng cao hơn nữa chỉ tiêu an toàn vốn theo Basel II và bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Về lộ trình Basel II, HDBank cho biết từ năm 2017 đã thành lập tổ công tác thực hiện việc này. Cuối năm qua đã mua giải pháp phần mềm để thực hiện Basel II, đây cũng là đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm cho Vietcombank. HDBank đã nộp hồ sơ xin áp dụng chuẩn Basel II trước thời hạn từ tháng 1/2019, chậm nhất đến cuối quý 2/2019 sẽ được NNNH đồng ý cho áp dụng trước hạn.
Với lợi nhuận trước thuế đạt 4.005 tỷ đồng, tăng 65,7% so với năm 2017 và hoàn thành 101,8% kế hoạch đề ra, nên ngân hàng tiếp tục giữ được truyền thống chia cổ tức cao và đều đặn trong nhiều năm liền, với tổng tỷ lệ cổ tức và cổ phiếu thưởng là 30% cho năm 2018. Trong đó cổ đông HDBank sẽ được nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, chi trả bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%.
Về lộ trình sáp nhập PGBank, dự kiến cuối năm 2019 sẽ thực hiện xong.
10:34 - ĐHCĐ TPBank: Mục tiêu lãi trước thuế 3.200 tỷ đồng trong năm nay, tiếp tục phát triển mạnh ngân hàng số
Sáng 23/4/2019, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên.
Theo báo cáo tại đại hội, năm 2018 dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của HĐQT và sự quyết tâm của Ban điều hành cùng toàn bộ CBNV, TPBank đã đạt được nhiều kết quả khả quan, các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng vượt bậc, chi phí hoạt động và nợ xấu được kiểm soát tốt so với mức chung toàn ngành, đặc biệt là các chỉ tiêu an toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định của NHNN và yêu cầu của đối tác. Hệ số ROE được cải thiện qua từng năm, từ 15,6% năm 2017 lên 20,8% năm 2018.
Sau 1 năm niêm yết trên sàn chứng khoán (mã TPB), chỉ số EPS (lãi trên một cổ phiếu) của ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh, từ 1.717 đồng cuối năm 2017 lên 2.911 đồng cuối năm 2018, tương đương tăng gần 70%. Năm 2018, TPBank phát hành 856.589.206 cổ phiếu với mệnh giá lưu hành 10.000/cổ phiếu, tăng 47% so với năm 2017.
Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng mạnh, năm 2018 gấp 6 lần so với năm 2013 và là năm đạt lợi nhuận cao nhất của TPBank từ trước tới nay.

Năm 2019, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng 41% so với 2018. Tổng tài sản đạt 158.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 10.000 tỷ đồng. Nhà băng cũng đặt mục tiêu huy động trên 142.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 101.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 2%.
Tại đại hội, HĐQT TPBank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua định hướng chiến lược phát triển của ngân hàng với mục tiêu trở thành top 10 ngân hàng hoạt động hiệu quả trong giai đoạn 2018 – 2022.
Theo đó, 2019 là năm then chốt với mục tiêu phát triển bền vững và hiệu quả, bên cạnh việc tiếp tục củng cố các yếu tố nền tảng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng, đảm bảo đúng chuẩn Basel II, TPBank cũng ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn đã được xác định như đẩy mạnh tài trợ trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp SME…
Về mảng bán lẻ, với mục tiêu khẳng định tên tuổi ngân hàng số hàng đầu Việt Nam, năm 2019 TPBank sẽ tập trung phát triển các dự án ngân hàng số mới ứng dụng giải pháp và kinh nghiệm trên thế giới, mở rộng mạng lưới hoạt động đặc biệt chú trọng các mô hình số như LiveBank, ứng dụng eBank...
Nhà băng này dự kiến mở thêm 100 điểm LiveBank mới, nâng tổng số lượng mô hình này lên 200 điểm trên toàn quốc. Đồng thời ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa và hoàn thiện các chính sách nhằm ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Mới đây, TPBank đã trở thành một trong nhóm các ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được NHNN công nhận tuân thủ sớm Basel II.
Đại hội kết thúc với sự nhất trí thông qua toàn bộ các nội dung được đệ trình với tỷ lệ gần như tuyệt đối của các cổ đông, đồng thời ủy quyền cho HĐQT triển khai thực hiện các nội dung này trên cơ sở đảm bảo cao nhất lợi ích cho các cổ đông.