Đến ngày 4/2, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm

Lãi suất huy động lại tiếp tục được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm. Mức 8,x%/năm bắt đầu xuất hiện nhiều hơn.

Đến ngày 4/2, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm

Biển lãi suất tại các ngân hàng đầu tháng 2/2023 (ảnh: Văn Tuệ)

Theo khảo sát của chúng tôi chiều ngày 3/2 và sáng 4/2 tại một loạt các ngân hàng ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, biển lãi suất trên 10% đã biến mất khỏi thị trường.

Tuần trước, GPBank là ngân hàng cuối cùng vẫn còn niêm yết mức lãi suất cao nhất tại quầy 10%/năm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lợi tức cao nhất đã được ngân hàng này hạ xuống còn 9,8%/năm.

Các ngân hàng đã từng niêm yết lãi suất cao nhất trên 10% như Saigonbank, CBBank, OceanBank,... cũng đã điều chỉnh lãi suất cao nhất xuống mức 9,5%/năm.

Như vậy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất cao nhất trên 10%/năm.

Cũng đã có nhiều ngân hàng hạ lãi suất cao nhất xuống sâu hơn mức yêu cầu 9,5% của ngân hàng nhà nước. Như tại SeABank, tính đến thứ 6 tuần trước, lãi suất cao nhất tại quầy được nhà băng này niêm yết là 9,2%. Tuy nhiên, đến hiện tại, con số này chỉ còn 8,9%/năm.

Một số ngân hàng khác cũng đang có mức lãi suất cao nhất thấp hơn yêu cầu của cơ quan quản lý như VPBank (9,4%); NCB (9,35%/năm); OCB (9,3%/năm); PVCombank (9,3%/năm); Techcombank (9,2%/năm); MB (8,7%/năm)

Theo thông tin từ một số nhân viên ngân hàng, tuần vừa qua, cơ quan điều hành đã có hoạt động thanh kiểm tra và nhắc nhở các ngân hàng có lãi suất huy động trên 10% để chấn chỉnh kỷ luật thị trường. Do đó, các nhà băng cũng đã tiết chế hơn trong việc huy động với lãi suất cao. 

"Bên mình từng huy động lãi suất trên 10%/năm từ trước Tết. Tuy nhiên, vừa qua phía Ngân hàng Nhà nước có nhắc nhở nên lãi suất tiết kiệm ở chi nhánh mình đã được hạ xuống", chị Mai Ngọc, chuyên viên huy động ngân hàng P chia sẻ.

Anh Dương Tuấn Vũ, chuyên viên huy động tại ngân hàng V cũng cho biết, tuần qua ngân hàng đã được nhắc nhở về việc huy động với lãi suất hơn 9,5%/năm. Dự kiến hết tuần này, các chương trình có lợi tức cao hơn mức kể trên sẽ được chấm dứt.

"Trước đây, sau khi thưởng coupon thì lãi suất khách hàng nhận được hoàn toàn có thể trên 10%/năm. Tuy nhiên, có thể đến cuối tuần này, các chương trình khuyến mãi lãi suất có thể sẽ tạm dừng, do bên mình vừa được nhắc nhở về việc huy động với lãi suất cao. Hiện tại, chi nhánh đang đưa ra phương án thay thế việc thưởng coupon bằng các quà tặng giá trị cao như các bộ chén bát, máy sinh tố,...", anh Vũ chia sẻ.

Theo các chuyên gia, mặc dù FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất, song cơ quan này đã có dấu hiệu nhẹ tay hơn với lạm phát. Cụ thể, biên độ tăng lãi suất đã được hạ từ 0,75% xuống còn 0,5% và gần nhất là 0,25%/năm. Do dó, đà tăng lãi suất trên toàn cầu có thể sẽ chậm lại.

Bên cạnh đó, các chỉ số vĩ mô của Việt Nam vẫn còn ở mức tích cực, cơ quan điều hành vẫn còn nhiều dư địa để không phải can thiệp lãi suất. Theo đó, lãi suất huy động có thể sẽ tạo đỉnh trong quý I/2023 và nhanh chóng đi xuống.

Theo Văn Tuệ (Nhịp Sống Thị Trường)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video