Đảo nợ qua trái phiếu doanh nghiệp trong ngân hàng

Trong hoạt động ngân hàng, đảo nợ ẩn khuất bởi những thuật ngữ được gọi một cách chuyên ngành hơn…

Như thông tin vừa qua, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu cần làm rõ vấn đề tín dụng bất động sản và chứng khoán núp bóng tín dụng tiêu dùng có không và bao nhiêu; nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu.

Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc doanh nghiệp đến giai đoạn đến hạn thường phát hành trái phiếu để đảo nợ.

Thực tế hoạt động của các ngân hàng thương mại có việc này, chính người trong cuộc còn băn khoăn về ứng xử trong phân loại và trích lập dự phòng rủi ro; Ngân hàng Nhà nước cũng đã kịp có quy định ngăn chặn vào cuối năm 2021.

Cho đến đầu tháng 4 này, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải có trả lời cụ thể cho thành viên trong hệ thống.

Cụ thể, theo thắc mắc từ ngân hàng thương mại trong thực hiện Thông tư 11/2021/TT-NHNN về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro… trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tình huống được đặt ra.

"Hiện tại các ngân hàng thương mại phát sinh khoản mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhưng sau đó trái phiếu bị thay đổi thời hạn trả nợ gốc và lãi (thực hiện hoạt động hoán đổi trái phiếu) nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản làm rõ trường hộ này khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đó có bị xác định là khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ hay không?

Trong trường hợp này các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp này như thế nào để phù hợp với tinh thần của Thông tư 11?", phía ngân hàng thương mại đặt câu hỏi.

Ngân hàng Nhà nước trả lời: Khoản 8 Điều 4 Nghị định số 153 ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế có quy định điểm nội dung trên.

Theo đó, "Hoán đổi trái phiếu" là việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để hoán đổi cho trái phiếu đang lưu hành của chính doanh nghiệp đó tại cùng một thời điểm để cơ cấu lại danh mục nợ.

Khoản 1 Điều 7 Nghị định 153 có quy định: "1. Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi theo thỏa thuận với chủ sở hữu trái phiếu để giảm nợ, cơ cấu lại nợ trái phiếu. Riêng đối với mua lại trước hạn trái phiếu chào bán ra thị trường quốc tế, khi thực hiện phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trái phiếu bị hủy bỏ sau khi được mua lại".

Điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16/2021/NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp: "8. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau: a) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành".

"Căn cứ các quy định nêu trên của Nghị định 153 và Thông tư 16, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ. Do vậy, Thông tư 11 không quy định về việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với trường hợp này", Ngân hàng Nhà nước lý giải.

Có một điểm được chú ý, Thông tư 11 được ban hành trước thời điểm Thông tư 16 ra đời khoảng 4 tháng. Như vậy Thông tư 11 đã không quy định điều mà khoảng 4 tháng sau Thông tư 16 mới cấm (như diễn giải trả lời nói trên của Ngân hàng Nhà nước).

Dù vậy, điểm chính ở đây, với Thông tư 16, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo một chốt chặn: tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ.

Theo Lam Giang (BizLive)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video