Danh sách dự án bất động sản thế chấp vẫn còn dài nhưng cần công bố “đúng nơi, đúng lúc”
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Dự án bất động sản thế chấp ngân hàng: Hiểu sao cho đúng?” ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng danh sách công bố 77 dự án bất động sản thế chấp vừa qua của Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM vẫn chưa đầy đủ.
Theo ông Châu, hiện nay người tiêu dùng đang đứng trước rủi ro lớn nên việc minh bạch thông tin là cấp bách. Tuy nhiên phải nhìn nhận là việc công bố thông tin vừa rồi cũng có nhược điểm, chẳng hạn khách hàng của chủ đầu tư có tên trong danh sách thế chấp nhưng doanh nghiệp đó không thế chấp. Hay danh sách không cập nhật theo thời gian thực, ví như ngày hôm nay công bố mà trước đó đã có đơn vị đã rút thế chấp. Hoặc có những doanh nghiệp họ thế chấp là giữ tài sản đó lại chứ không phải dự án bị thế chấp.
“Theo tôi chúng ta phải cố gắng làm rõ thêm thông tin là mục đích thế chấp dự án là để làm gì. Chẳng hạn Công ty Gia Hòa không thế chấp nhưng khi bán cho khách hàng là phải có điều kiện là thế chấp ngân hàng để để có bảo lãnh của ngân hàng trước khi bán.
Tất cả những giao dịch bất động sản phải được thực hiện theo Luật Kinh doanh BĐS, nhưng có khi họ lách các giao dịch theo kiểu như là hợp tác đầu tư, góp vốn. Do đó kẽ hở là những trường hợp nhận tiền đặt cọc lên đến 30-40%. Tình trạng là có những dự án thế chấp nhưng hiện nay có dự án chưa được duyệt cơ sở, chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn huy động vốn và họ đã thế chấp rồi nhưng danh sách công bố vừa rồi không có những dự án đó
Theo tôi sắp tới phải công bố thông tin kịp thời ngay tại trụ sở ban quản lý dự án của dự án và công bố theo thời gian thực. Chủ đầu tư thế chấp tài sản hình thành trong tương lai phải đủ điều kiện là được ngân hàng nơi nhận tài sản thế chấp đồng ý và người mua nhà đồng ý. Còn việc chủ đầu tư có dự án thế chấp phải được hiểu là việc bình thường chứ không phải có vấn đề”, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Khánh Hưng - GĐ Điều hành Tập đoàn Đất Xanh cho rằng việc công bố dự án thế chấp rất bình thường. Tuy nhiên, theo ông công bố của Sở Tài nguyên Môi Trường chưa đầy đủ, có những trường hợp đã giải chấp nhưng vẫn chưa được cập nhật và những trường hợp thế chấp tài sản riêng của mình không ảnh hưởng đến người mua nhà nhưng Sở vẫn công bố.
Vì vậy, ông Hưng kiến nghị các cơ quan nên giải quyết làm sao để công bố thông tin cho đầy đủ. Một thị trường có vài trăm doanh ngiệp nhưng chỉ công bố vài chục doanh nghiệp thì chưa ổn lắm. Nên lấy thêm một vài đầu mối nữa đảm bảo người dân được biết và công bố tiếp luôn để người dân được biết.
Ông Lương Sĩ Khoa - Phó Chủ tịch HĐQT An Gia Investment cho biết ông ủng hộ việc này, nhưng việc công bố này cần đầy đủ và chi tiết hơn để không khiến khách hàng hoang mang. Đợt công bố vừa rồi chưa đầy đủ nên cần xem xét kỹ càng hơn.
Ông Phạm Ngọc Liên - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết nguồn công bố căn cứ vào nội dung là bộ hồ sơ thế chấp theo hướng dẫn của Thông tư 09 liên tịch là sổ đăng ký, hợp đồng thế chấp. Việc xác định cái nào bảo mật thì chính ngân hàng ký hợp đồng vay phải xác định, hoặc là có hướng dẫn chung của NHNN.
Sau sự việc Hamona thì Sở TNMT có dự cuộc họp và NHNN chi nhánh TPHCM có công bố một văn bản với nội dung: NHNN hướng dẫn cho giám đốc trên địa bàn việc công bố là cần thiết, là bình thường để tạo sự tin tưởng của người dân. Việc công bố này góp phần cải cách thông tin, minh bạch thị trường và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Bên cạnh đó việc thế chấp dự án của chủ đầu tư là bình thường, đồng nghĩa chủ đầu tư đó có năng lực, và không đồng nghĩa là năng lực tài chính kém, nhằm không gây hoang mang lo lắng trong dân chúng.
Ông Nguyễn Khánh Hưng kiến nghị nên quy định bắt buộc ngân hàng phải công bố để bảo vệ ngân hàng và hệ thống ngân hàng để tránh 1 tài sản thế chấp cho nhiều tổ chức tín dụng khác nhau, nên quy định này nên áp đặt ngay cho ngân hàng thương mại, có thể là tổ chức tín dụng. Ngoài những đối tượng đó ra thì đối tượng này được phép cầm cố và thế chấp thì cũng phải công khai.
Về phía doanh nghiệp, nếu dự án đưa ra bán phải công bố đã thế chấp hay chưa. Thế chấp dự án nào, cho ngân hàng nào, thế chấp bao nhiêu tiền và thế chấp vì mục đích gì và trong thời gian bao lâu là thông tin tối quan trọng cần phải công bố còn những thông tin như lãi suất, thanh toán thì có thể không công bố để đảm báo tính bảo mật cho ngân hàng và doanh nghiệp.
Ông Lương Sĩ Khoa cũng đồng ý việc doanh nghiệp chủ động công bố thông tin. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp vì một số lý do mà không muốn chủ động trong việc công bố này. Do đó, chúng ta cần có một bộ tiêu chí, những điểm nào cần phải công bố để doanh nghiệp dựa vào đó để cung cấp thông tin. Đây là cách để tạo niềm tin cho người mua nhà và họ an tâm hơn.
Theo NDH