Cổ phiếu rớt giá, LSS tiến hành mua cổ phiếu quỹ
Trước tình hình giá cổ phiếu giảm sâu và giao dịch dưới mệnh giá, CTCP Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS) đã quyết định mua cổ phiếu quỹ nhằm giữ ổn định giá cổ phiếu và tăng giá trị cho cổ đông.
[caption id="attachment_74072" align="aligncenter" width="601"]
HĐQT CTCP Mía đường Lam Sơn (MCK: LSS) vừa thông qua việc mua lại cổ phiếu LSS làm cổ phiếu quỹ. Theo đó, LSS dự kiến mua 6 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 8,6% tổng số phiếu LSS đang lưu hành. Thời gian giao dịch dự kiến từ 1/12 đến 31/12/2017 ngay khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.
Nguồn vốn mua vào lấy từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp này. Tính đến 30/9/2017, quỹ đầu tư phát triển của LSS có 578 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần 180 tỷ đồng. Tại mức giá quanh 9.000 đồng/cp như hiện nay, dự kiến doanh nghiệp này sẽ chi ra khoảng 54 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.
Thị trường đường trong nước giai đoạn quý I niên độ 2017- 2018 (1/7 – 30/9/2017) ảm đạm, tồn kho tăng, giá giảm sâu. Đồng thời, tâm lý người mua “chờ ăn đường giá rẻ từ 1/1/2018 khi Hiệp định tự do thương mại ASEAN có hiệu lực” đã đặt ra những thách thức lớn hơn và cấp bách hơn với ngành Mía Đường Việt Nam.
Với bất lợi đó, doanh thu thuần quý I của LSS chỉ đạt 213,8 tỷ đồng, giảm 53% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán giảm không đáng kể, nên lãi gộp chỉ đạt 37,2 tỷ đồng, giảm 51,5%. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 6 tỷ đồng nhưng lãi ròng của LSS vẫn chỉ tương đương 1/3 cùng kỳ năm trước, đạt vỏn vẹn 12,2 tỷ đồng.
Trong phần giải trình kết quả kinh doanh quý I, LSS không cho biết giá đường và sản lượng bình quân quý của đơn vị ra sao. Được biết, tại các đơn vị cùng ngành của LSS như Mía đường Sơn La (SLS) và Mía đường Kon Tum (KTS) thì giá đường bình quân đã giảm từ 12% đến 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Dẫu vậy, SLS và KTS vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng là nhờ sản lượng tăng đột biến.
Một điểm bất lợi nữa đối với LSS là đầu tháng 10/2017 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra trận lụt lớn gây tổng thiệt hại ước tính khoảng 2.990 tỷ đồng, trong đó 2.781 ngôi nhà bị hư hỏng, 44.049 nhà bị ngập... và hơn 16.000 ha rau màu, cây trồng các loại bị hư hỏng. Riêng với LSS thì hơn 30% diện tích trồng mía đã đến lúc vào vụ thu hoạch bị ngập lụt, khu nông nghiệp công nghệ cao bị tổn thất nặng nề. Mới đây, LSS đã có văn bản xin phép UBCKNN cho gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017 – 2018 đến trước này 31/11 do phải tập trung cao cho công tác khắc phục thiệt hại sau mưa lũ.
Khó chồng khó khiến cổ phiếu LSS sau thời gian đi ngang quanh mốc 11.000 – 12.000 đồng/CP đã lao dốc xuống dưới mệnh giá. Tính đến phiên ngày 7/11, cổ phiếu này giao dịch ở dưới mức 9.000 đồng, "bốc hơi" 20% giá trị sau 10 phiên.
Giai đoạn 2018-2020, LSS phấn đấu đạt tăng trưởng 20% trở lên. Trong đó, đến năm 2020 tổng doanh thu dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 500 tỷ đồng, cổ tức 18-20%. Đến năm 2025 dự kiến đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận 1.000 tỷ đồng và cổ tức vẫn là 18-20%.