Chủ đầu tư SJC Tower tăng vốn gấp 3 lên 1.800 tỷ đồng
Ước tính nhà đầu tư mới sẽ phải bỏ ra ít nhất 330 tỷ đồng để sở hữu 15% dự án SJC Tower.
[caption id="attachment_43413" align="aligncenter" width="660"]
Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM (HFIC) vừa thông báo sẽ bán đấu giá hơn 13 triệu quyền mua cổ phần phát hành thêm của CTCP Sài Gòn Kim Cương.
Cụ thể, CTCP Sài Gòn Kim Cương sẽ phát hành thêm 121,38 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:2,07 để nâng vốn gấp 3 lần từ 586,2 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng.
Tổng khối lượng quyền mua cổ phần đấu giá của HFIC là 13,038 triệu đơn vị, tương đương 27 triệu cổ phần phát hành thêm, chiếm 15% vốn của CTCP Sài Gòn Kim Cương sau khi tăng vốn.
CTCP Sài Gòn Kim Cương (thành lập tháng 10/2007) là chủ đầu tư dự án SJC Tower (cấp phép tháng 11/2007) tại ngã tư “vàng” Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 1.500 tỷ đồng (sau này điều chỉnh lên thành 5.300 tỷ đồng) với thời gian hoạt động 50 năm.
Theo báo cáo tài chính của HFIC, đơn vị này tới cuối tháng 6/2017 vẫn giữ 40% vốn của CTCP Sài Gòn Kim Cương, quy ra tiền là 234,5 tỷ đồng.
Nếu thoái vốn thành công hơn 13 triệu quyền mua, tỷ lệ sở hữu của HFIC tại dự án SJC Tower sẽ giảm về còn 24,6%, phù hợp với chủ trương đưa ra trước đó của ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Hiện các ông Phạm Phú Quốc và ông Nguyễn Đình Thọ là thành viên HĐQT và là người đại diện phần vốn của HFIC tại Sài Gòn Kim Cương.
Động thái tăng vốn có thể hiểu như quyết tâm thực hiện dự án của các cổ đông.
Với giá khởi điểm đấu giá quyền mua ở mức 4.620 đồng và giá phát hành thêm là 10.000 đồng mỗi cổ phiếu, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất 330 tỷ đồng để sở hữu 15% vốn trong liên doanh Sài Gòn Kim Cương.
Về phần mình, có nhiều đồn đoán rằng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, thông qua doanh nghiệp liên quan là CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD), hiện là một trong các bên nắm vốn tại dự án SJC Tower.
Theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, các chỉ số tài chính của CTCP Sài Gòn Kim Cương khá tiêu cực. Hệ số thanh toán nhanh giảm mạnh từ 0,85 năm 2015 về 0,31 năm 2016. Doanh thu gần như không có với hệ số lãi sau thuế trên doanh thu thuần là âm 12.683 lần, tỷ lệ doanh thu trên tổng tài sản ở mức 0; hệ số lãi sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là âm 8,4.
Theo Nghi Điền Nhà đầu tư