Bộ Tài chính nói gì về điều kiện để cổ phiếu FLC, ROS giao dịch trở lại?

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, với trách nhiệm là cổ đông, các nhà đầu tư phải có ý kiến tại đại hội cổ đông, yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp phải thực hiện khắc phục các vi phạm và niêm yết trở lại qua đó giảm thiệt hại kinh tế.

Bộ Tài chính nói gì về điều kiện để cổ phiếu FLC, ROS giao dịch trở lại?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 tổ chức tối 6/9, trả lời câu hỏi về điều kiện để cổ phiếu FLC, ROS được giao dịch trở lại, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết các doanh nghiệp này phải khắc phục được những vi phạm khiến cổ phiếu bị hủy niêm yết và có nguyện vọng giao dịch trở lại, khi đó các cơ quan quản lý sẽ xem xét theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros và Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC phải khắc phục các vi phạm về công bố thông tin về báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022 và tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Về quyền lợi của nhà đầu tư đối với các cổ phiếu nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định việc hủy niêm yết đương nhiên ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Chi cho rằng, với trách nhiệm là cổ đông, các nhà đầu tư phải có ý kiến tại đại hội cổ đông, yêu cầu lãnh đạo doanh nghiệp phải thực hiện khắc phục các vi phạm và niêm yết trở lại qua đó giảm thiệt hại kinh tế.

Liên quan đến trách nhiệm các cơ quan quản lý sẽ như thế nào khi cơ quan điều tra khởi tố bổ sung lãnh đạo FLC về các tội danh trên thị trường chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết vụ án đang trong quá trình điều tra của Bộ Công an và cần bảo mật. Khi có kết luận điều tra, Bộ sẽ công khai trách nhiệm cả cá nhân và tập thể, kể cả cơ quan quản lý nhà nước.

Để phòng ngừa các vụ việc tương tự, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đã có Chỉ thị 02 đưa ra một loạt giải pháp để có thể phòng ngừa, chấn chỉnh các hành vi này. Chỉ thị nêu rõ từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đến giám sát, kiểm tra các giao dịch chứng khoán...

Cụ thể, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng, Vụ Pháp chế, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán... rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ mất an ninh, an toàn thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Cơ quan quản lý chứng khoán cũng phải rà soát quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Các đơn vị trực thuộc phải tổng hợp và trình lãnh đạo Bộ Tài chính trước ngày 30/9.

Liên quan hoạt động niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn doanh nghiệp, Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX); Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tăng cường giám sát các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường.

Yêu cầu thẩm định chặt chẽ hồ sơ đăng ký niêm yết/giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp. Chú trọng kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý với các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng...

Bộ Tài chính cũng yêu cầu UBCKNN phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, Tổng cục Thuế, nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tăng vốn, góp vốn, chuyển nhượng vốn của các công ty đại chúng, đảm bảo hoạt động này diễn ra nghiêm túc, thực chất, theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hạn chế tình trạng tăng vốn ảo, chuyển tiền lòng vòng, tiền thu được từ quá trình thay đổi cơ cấu vốn sử dụng không đúng mục đích đăng ký; giám sát chặt chẽ hiện tượng chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông chi phối lợi dụng vai trò điều hành doanh nghiệp rút lại khoản tiền đi vay khi thực hiện nghĩa vụ góp vốn...

Theo Nhịp sống kinh tế

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video