Bộ Tài chính dự toán ngân sách nhà nước tiếp tục bội chi 344 nghìn tỷ năm 2021

Theo dự toán được Bộ Tài chính xây dựng, ngân sách nhà nước năm 2021 sẽ tiếp tục bội chi khoảng 344 nghìn tỷ đồng, nợ công khoảng 58,6% và dư nợ Chính phủ là 53,2% (tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh).

Trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, Bộ Tài chính vừa biên soạn và phát hành "Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội" và lấy ý kiến rộng rãi.

Bộ Tài chính nhận định, trên cơ sở đánh giá khả năng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, dự kiến tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2021; dự toán NSNN năm 2021 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6% so với năm 2020, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giá dầu thô 45 USD/thùng; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.

Dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Tỉ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5%GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13%GDP.

Dự toán chi cân đối NSNN năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng (-3,4%) so dự toán năm 2020.

Bộ Tài chính dự toán ngân sách nhà nước tiếp tục bội chi 344 nghìn tỷ năm 2021 - Ảnh 1.

Bộ Tài chính phân tích, trong bối cảnh thu NSNN chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi ĐTPT, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (Tương ứng khoảng 5% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh, số tuyệt đối là 343,67 nghìn tỷ đồng).

Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1%GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9%GDP điều chỉnh (tương ứng nợ công khoảng 58,6% và dư nợ Chính phủ là 53,2% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh).

Theo Bộ Tài chính, báo cáo này cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác những thông tin chủ yếu liên quan đến đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2020 và dự kiến dự toán thu chi NSNN năm 2021 trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ mười xem xét, quyết định.

Hiện "Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội" đang được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính nhằm lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đưa công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới các mục tiêu phục vụ xã hội, cộng đồng một cách tốt nhất.

Theo Tuấn Việt (Nhịp sống doanh nghiệp)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video