Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn
Thị trường bất động sản (BĐS) có thời điểm bị chững lại, nhưng vẫn được xem là trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng; và sang năm 2018 vẫn được kỳ vọng có diễn biến tích cực nhờ các động lực từ nền kinh tế tăng trưởng, cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện và cơ chế, chính sách tài chính linh động.
TP.HCM là khu vực tạo nhiều sóng sôi động nhất trên thị trường BĐS. Những biến động như một biểu đồ hình sin về giá tại khu vực này cho thấy tốc độ đô thị hóa chóng mặt và nhu cầu bức thiết về chỗ ở của người dân.
Đất nền vẫn khan hiếm, nóng sốt
Năm 2017 được đánh giá là năm “lên ngôi” của BĐS đất nền do tỷ suất sinh lợi cao, thanh khoản tốt, mức giá vừa phải. Dự báo phân khúc đất nền vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam đánh giá: “Nhu cầu đất nền thực ra luôn hiện hữu. Khi mà nhiều nhà đầu tư họ có tiền nhàn rỗi, nhưng không đủ để mua một căn nhà. Do đó, họ sẽ chuyển hướng sang mua đất, để đầu tư lâu dài, vừa hợp túi tiền, thủ tục lại vừa đơn giản hơn. Điều này không chỉ diễn ra tại TP.HCM, mà đã diễn ra tại nhiều nước trong khu vực, đây thực chất là một kênh hữu hiệu cho những người đầu tư thiên về an toàn”.
Tại khu Đông Sài Gòn, giá đất tăng từ 50 - 200% so với năm trước. Giá bán mỗi nền thuộc các khu dân cư quận 2, quận 9 tăng chóng mặt, vượt qua cơn sốt đất năm 2007. Còn ở khu Nam, sự gia tăng về giá cũng rất mạnh, có những nơi tăng tới 300%. Nguồn cung khan hiếm và nhu cầu mua ở thực luôn hiện hữu, đặc biệt tăng mạnh dịp cuối năm là nguyên nhân đẩy giá đất nền lên cao. Mức tăng dao động từ 15 - 20% so với thời điểm giữa năm.
Năm 2017, BĐS công nghiệp và thương mại cũng tăng trưởng ngoạn mục. Bên cạnh đó là sự thành công của BĐS nghỉ dưỡng tại các tỉnh, thành phố ven biển có tiềm năng du lịch.
Ông Phạm Thành Hưng, Phó chủ tịch HĐQT CEN Group, cho biết các dự án nhà ở cao cấp tiêu thụ chậm. Nhà ở hạng sang sụt giảm nguồn cung, và sụt giảm mạnh về giao dịch.
Giám đốc nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản năm 2018 sẽ diễn biến tích cực nhờ các động lực từ cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tình trạng "bong bóng" bất động sản rất khó có thể xảy ra trong thời gian tới. Thị trường sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị.
“Căn hộ vừa túi tiền chủ yếu là căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, cung không đủ cầu và vẫn là phân khúc chủ đạo trong thời gian tới. Theo tôi, năm 2018 và những năm tiếp theo, nhà ở vừa túi tiền sẽ là tâm điểm của thị trường, do đó nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đang tìm cách hạ giá bán căn hộ cao cấp để tính thanh khoản cao hơn", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea cho biết.
Thị trường BĐS năm 2018 vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và không xảy ra tình trạng “bong bóng”. Chính phủ đã có những công cụ để quản lý, giám sát mạnh mẽ để điều tiết linh hoạt, kịp thời. Thị trường bất động sản chính thức hội nhập quốc tế sẽ tạo nên một cuộc chơi rất quyết liệt, sòng phẳng với những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh đến từ khối ngoại.
Mở rộng phát triển vùng BĐS
Một xu thế thấy rất rõ là các nhà đầu tư địa ốc sẽ dịch chuyển hết về các vị trí giáp ranh giữa TP.HCM với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An do nơi đây quỹ đất còn lớn.
Đặc biệt là các địa phương cùng hợp tác để đầu tư nối dài hệ thống hạ tầng giao thông như tuyến metro số 1 nổi thẳng đến Đồng Nai và Bình Dương; tuyến đường sắt Bắc - Nam sẽ được kéo về TP. Cần Thơ; bến xe miền Đông và miền Tây, các bệnh viện và trường đại học được di dời ra khỏi nội thành thành phố... phù hợp với quy hoạch vùng TP.HCM mở rộng vừa được Thủ tướng phê duyệt.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng thị trường BĐS đang có chuyển biến thuận lợi, nhưng không phải chủ đầu tư nào cũng đủ năng lực đi đến cùng trong việc tạo ra sản phẩm phù hợp để bán được tốt và thu tiền về. Bởi dự án BĐS có chu kỳ dài, đòi hỏi vốn lớn, trong khi nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực hoạch định, quản lý, buộc phải buông dự án.
Do vậy, dự đoán xu hướng M&A doanh nghiệp BĐS (mua, bán, sang nhượng dự án) sẽ tiếp tục sôi động ở đủ mọi cấp độ, từ quy mô nhỏ 1 - 2 ha cho đến dự án quy mô lớn vài chục ha.
Các dự án bất động sản xanh, thân thiện môi trường, an toàn, đầy đủ tiện ích là những đòi hỏi mới của người tiêu dùng mà nhà đầu tư phải đáp ứng.
Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 thí điểm về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ giúp lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm mà phần lớn là bất động sản, tạo nguồn lực cho nền kinh tế cũng như giúp tái khởi động lại nhiều dự án.
Trong thời gian tới, thị trường BĐS Việt Nam có thể hội nhập sâu vào thị trường thế giới, nên sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Bởi ngoài yếu tố kinh tế ổn định thì còn phải kể đến cơ chế chính sách của Nhà nước. Đặc biệt là cơ chế mới linh động hơn cho người dân và chủ đầu tư sẽ kích thích thị trường BĐS, thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
BĐS Việt Nam vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn được các chủ đầu tư quốc tế quan tâm, đặc biệt là ở các quận ven TP.HCM. Năm 2018, hứa hẹn sẽ là năm bùng nổ của thị trường BĐS trong phân khúc đất nền, nhà phố và căn hộ.
Bốn dự báo thị trường BĐS năm 2018
Thứ nhất, thị trường nhà, đất ở tiếp tục có sức tiêu thụ tốt ở tất cả các phân khúc. Nhà ở vừa túi tiền sẽ tiếp tục chiếm vai trò chủ đạo, trong khi nhà ở cao cấp sẽ có nguồn cung hạn chế, nhất là tại Hà Nội vì đã không còn đủ quỹ đất phù hợp để phát triển phân khúc này.
Thứ hai, nguồn cung năm nay dự kiến còn lớn hơn năm 2017 do có nhiều dự án đến thời điểm hoặc đủ điều kiện ra hàng, dẫn đến cạnh tranh trong việc bán hàng sẽ mạnh hơn.
Thứ ba, phân khúc condotel tiếp tục phát triển mạnh tại các thành phố du lịch, các địa phương được quy hoạch thành khu kinh tế hành chính đặc biệt.
Thứ tư, thị trường sẽ tiếp tục ổn định và không xảy ra bong bóng hoặc sốt ảo do chất lượng kiểm soát tốt của Nhà nước bằng các chính sách kịp thời, đồng thời các chủ đầu tư cũng khá linh hoạt và nhạy bén trong việc đưa ra các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.
Lê Thuận