5 tiêu chí điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng?

Một khả năng được xét đến là Ngân hàng Nhà nước sẽ đề nghị ngân hàng thương mại cụ thể giảm lãi suất cho vay, “đổi lại” sẽ tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để khuyến khích.

5 tiêu chí điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng?

Chiều 5/9, theo thông tin tới một số lãnh đạo ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các trường hợp có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu đã giao đầu năm nay.

Thông tin trên khớp với định hướng mà Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đưa ra trước đó (qua thông tin từ hội nghị về triển khai gói hỗ trợ lãi suất cuối tháng 8).

Điểm mà một số người trong cuộc bàn luận hiện nay là các tiêu chí để điều chỉnh room tín dụng có một số thay đổi so với hồi đầu năm, cũng như được NHNN nêu khá cụ thể trong thông tin cung cấp cho báo chí cuối tháng 7/2022.

Theo đó, 5 tiêu chí điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được thảo luận đề cập đến là: Kết quả xếp hạng năm 2021; Ưu tiên các NHTM tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém; Ưu tiên NHTM tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém; Tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để khuyến khích các NHTM trong danh sách NHNN sẽ đề nghị giảm lãi suất cho vay; Giảm trừ đối với các NHTM có tỷ lệ dư nợ cho vay thị trường 1 so với huy động vốn thị trường 1 cao.

Như trên, cuối tháng 7 vừa qua NHNN đã nêu cụ thể quan điểm và các cơ sở/tiêu chí xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các NHTM.

Cụ thể, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, NHNN cho biết đã phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên nhiều cơ sở. 

Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN.

Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.

“Các tiêu chí này được NHNN xem xét theo nguyên tắc chung và được Ban lãnh đạo NHNN thông nhất trên cơ sở tham mưu của các đơn vị chức năng. Chủ trương được công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị số 01 hàng năm về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng”, NHNN khẳng định trong thông tin cuối tháng 7 vừa qua.

Như vậy, ở hướng nội dung đang được bàn luận hiện nay đề cập ở trên, có thể dự tính NHNN đã có một số thay đổi về tiêu chí.

Theo đó, khả năng Nhà điều hành không nêu cụ thể tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp như trước; giảm hoặc hạn chế chỉ tiêu đối với trường hợp có tỷ lệ cho vay trên huy động ở thị trường 1 quá cao; và nhất quán định hướng tăng chỉ tiêu để khuyến khích các trường hợp giảm lãi suất cho vay (khả năng NHNN sẽ có danh sách các ngân hàng đề nghị giảm lãi suất), cũng như với các NHTM tham gia hỗ trợ tái cơ cấu hệ thống.

Theo Thế Anh (BizLive)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video