“Bảo hộ” độc quyền vùng nguyên liệu dăm gỗ: Chính quyền đang lạm quyền
“Tạo ra một thị trường xuất khẩu dăm gỗ cạnh tranh bình đẳng thay bằng các chính sách “bảo hộ” độc quyền vùng nguyên liệu, đang là một đòi hỏi cấp thiết đối với các địa phương có diện tích rừng lớn”. Đó là khẳng định của ông Vũ Long – Chuyên gia kinh tế lâm nghiệp với DĐDN.
Ngành sản xuất dăm gỗ lâu nay đang bị mang tiếng là “phá rừng non”, có giá trị kinh tế không cao. Chính Quyết định 5115/QĐ/BNN – TCLN cũng cho rằng phải hạn chế tối đa sử dụng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ. Điều này có hợp lý không, thưa ông?
Tôi khẳng định rằng, dăm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn trong ngành chế biến gỗ của VN. Sự phát triển của ngành dăm gỗ, đã mang về nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước, góp phần đẩy mạnh phát triển các ngành khác như: cây trồng, vận tải, cảng biển… Đơn cử, năm 2015, ngành này đạt tới kim ngạch xuất khẩu gần 1,2 tỉ USD, tương đương với 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ. Nên có thể nói, dăm gỗ đang được ví như “người đỡ đầu” cho các hộ trồng rừng có quy mô nhỏ, vốn ít, muốn có chu kỳ sản xuất nhanh.
Tuy nhiên, theo Đề án phát triển ngành dăm gỗ giai đoạn 2014 – 2020 với mục tiêu đặt ra, đến năm 2020 sẽ giảm khoảng một nửa kim ngạch XK dăm gỗ, tương đương với đó là giảm đi khoảng nửa tỷ USD (chiếm 8 – 10% tổng giá trị XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ), vậy, sẽ phát triển cái gì để thay thế vào nửa tỷ USD đó? Đáng nói hơn, vấn đề an sinh xã hội cho người trồng rừng.
Nhưng thậm chí cơ quan quản lý tại địa phương cũng đang nhìn nhận không tích cực về ngành này, thưa ông?
Câu chuyện ở đây là tư duy và tầm nhìn chiến lược của nhà quản lý và chính quyền địa phương.
Năm 1993 khi tôi làm tư vấn cho dự án nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm gỗ của Tập đoàn Sojitz và sau này là liên danh giữa TCty lâm nghiệp VN (VINAFOR) và tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) lấy tên là gọi là Cty liên doanh sản xuất nguyên liệu giấy Viêt Nhật Vũng Án (VIJACHIP VA ). Tôi nhận thấy, khi DN tới đầu tư dự án, chính quyền đã nghĩ ngay rằng, nhà máy được đầu tư thì diện tích rừng sẽ bị phá bỏ và thu hẹp lại. Vì vậy, cũng phải mất một thời gian, VIJACHIP VA mới có thể thuyết phục được chính quyền cho xây dựng nhà máy. Tuy vậy, sau 10 năm nhà máy đi vào hoạt động, khi có điều kiện đi khảo sát lại diện tích rừng cùng Vụ hợp tác quốc tế Bộ NN – PTNT tôi thấy rằng, diện tích rừng không mất đi mà ngược lại, độ che phủ còn được nhân rộng hơn rất nhiều. Bởi lẽ, chính DN nhận thấy nguyên liệu là yếu tố quan trọng, và đã góp vốn cùng nông dân mở rộng diện tích rừng trồng.
Ở một khía cạnh khác, sau một thời gian phát triển manh mẽ được xem là “bà đỡ” cho nhiều hộ trồng rừng, thì nay, với sự sụt giảm của thị trường nhập khẩu cùng với những khó khăn nội tại của ngành nên kim ngạch xuất khẩu đã giảm đáng kể. Tính 5 tháng đầu năm 2016 là 1,8 triệu tấn, thu về 248 triệu USD, giảm lần lượt 39% và 42% so với cùng kỳ năm 2015. Nếu từ nay đến cuối 2016, xu hướng xuất khẩu này không thay đổi, ngành chế biến và xuất khẩu dăm của VN sẽ tiếp tục phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Do vậy, chúng ta cần tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định của ngành dăm gỗ trong đó có sự phát triển của ngành trồng rừng. Dùng nhân tố ổn định này để có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn.
Có thực tế tại Nghệ An, người dân đang tính tới việc bỏ rừng vì không tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Còn các DN vừa và nhỏ muốn đầu tư nhà máy sản xuất chế biến gỗ dăm lại gặp khó bởi chính sách “bảo hộ” độc quyền vùng nguyên liệu cho DN lớn. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Theo tôi, chúng ta cần phải tuân thủ theo cơ chế thị trường, để các DN cạnh tranh một cách công bằng chứ không nên can thiệp vào bằng các biện pháp hành chính như “bảo hộ” độc quyền vùng nguyên liệu hay tăng thuế XK dăm gỗ.
Hiện nay, giá gỗ đầu vào của ngành dăm là 1.150.000 đồng/m3 còn giá đầu vào của gỗ chế biến XK cũng chỉ là 1.500.000 đồng/m3. Ngành chế biến, XK gỗ muốn cạnh tranh về nguồn nguyên liệu thì phải tự tìm cách nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến sâu, từ đó tăng giá thu mua gỗ nguyên liệu đầu vào. Như vậy, cả nông dân và DN đều được lợi. Phải tùy vào lợi thế từng ngành nghề và tuân thủ sự cạnh tranh để phát triển.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, quy hoạch vùng nguyên liệu chỉ là trên giấy, còn thực tế, nếu DN muốn có được vùng nguyên liệu thì phải có hợp đồng gắn kết với nông dân. Hiện nay, đất trồng rừng vẫn chủ yếu thuộc về nông dân quản lý, vì vậy, quyền quyết định bán gỗ cho DN nào thuộc về nông dân chứ không phải là chính quyền. Nếu chính quyền can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính là đang lạm quyền. Điều quan trọng hơn cả, nếu câu chuyện “bảo hộ” độc quyền được nhân rộng thì đối tượng chịu ảnh hưởng nhất sẽ là những người trồng rừng.
Tại một số tỉnh như Quảng Trị, Tuyên Quang trước đây cũng đã từng “nhen nhóm” dấu hiệu “bảo hộ” độc quyền vùng nguyên liệu cho thấy. Đơn cử, tại Quảng Trị khi bắt đầu có Nhà mày chế biến gỗ IDF thì chính quyền tại đây đã quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy và không muốn thu hút đầu tư các DN chế biến xuất khẩu bán dăm vào địa phương với mục đích để lại vùng nguyên liệu cho nhà máy này. Nhưng khi nhà máy làm ăn không đạt hiệu quả, gỗ tiêu thụ không hết. Đến nay Quảng Trị đã phải để thị trường tự do cạnh tranh trong trong mua bán nguyên liệu cũng như xuất khẩu. Hay tại Tuyên Quang cũng vậy, khi chính quyền thu hút được một số nhà đầu tư Nhật, Đài Loan… thì họ thực hiện chính sách, rừng xanh, ruột xanh, cấm các DN khai thác. Thế nhưng cuối cùng, khi nhà máy không tiêu thụ hết thì chính quyền lại “thả cửa” để các DN được tự do cạnh tranh.
Trong khi đó, nếu tuân thủ theo thị trường cạnh tranh thì người có lợi chính là nông dân. Hơn nữa, đây không phải là sự cạnh tranh của các thành phần kinh tế mà toàn bộ là khối các DN tư nhân tự đầu tư sản xuất chỉ khác nhau là lớn hay nhỏ. Vậy phải chăng có dấu hiệu của “lợi ích nhóm” đang trỗi dậy tại địa phương.
Vậy theo ông, chính quyền địa phương sẽ phải “ứng xử” thế nào với DN dăm gỗ?
Như tôi đã nói ở trên, chính quyền cần phải hướng tới lợi ích của số đông chứ không thể “o bế” hay nghiêng về quyền lợi của bất kỳ một đối tượng DN nào. Đây chính là “nút thắt” cần được tháo gỡ không chỉ với DN dăm gỗ.
-Xin cảm ơn ông !
Theo Nhật Minh (Enternews)