Doanh nghiệp Đà Nẵng mong giảm lãi suất sâu hơn

Các doanh nghiệp Đà Nẵng cho rằng, dịch đã khiến họ sức cùng lực kiệt, do đó mong muốn ngân hàng giảm lãi suất sâu hơn để giảm áp lực cho doanh nghiệp.

Giảm 0.5% đến 1% là không đáng kể

Trao đổi tại toạ đàm “Ngành ngân hàng TP. Đà Nẵng chủ động tích cực cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19” sáng 15/10, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng cho biết, đợt dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp nhất so với các đợt dịch trước, và đặc biệt doanh nghiệp Đà Nẵng lại chịu ảnh hưởng nặng hơn so với các doanh nghiệp ở địa phương khác.

“Chúng tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Đà Nẵng gửi kiến nghị tới NHNN Việt Nam tạo điều kiện không chuyển nợ quá hạn, không chuyển nhóm nợ xấu để không ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn vay sau này của doanh nghiệp. Đồng thời, gia hạn thêm thời gian cơ cấu nợ của doanh nghiệp, hiện các doanh nghiệp được cơ cấu giãn nợ không quá 12 tháng, đề nghị NHNN Việt Nam nên xem xét tăng lên không quá 24 tháng đối với các khoản vay trung và dài hạn.

Đề nghị NHNN xem xét đề xuất, Chính phủ ban hành các gói hỗ trợ mức lãi suất 3% cho doanh nghiệp thông qua các khoản nợ của doanh nghiệp vay ngân hàng thương mại hoặc tái cấp vốn với lãi suất thấp cho các ngân hàng để hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp", ông Bình đề xuất.

Đại diện Hội Doanh nghiệp quận Liên Chiểu cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đã ‘sức cùng lực kiệt’, song các chủ trương, chính sách của ngành ngân hàng tới nay vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng của các doanh nghiệp. Để vực dậy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới bên cạnh nguồn lao động, nguồn nguyên liệu mới thì điều quan trọng nhất là nguồn vốn.

“Tôi đề nghị các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, ưu đãi nguồn vốn; đồng thời, giảm lãi suất cho vay hơn nữa”, đại diện Hội Doanh nghiệp quận Liên Chiểu đề xuất.

Doanh nghiệp Đà Nẵng mong giảm lãi suất sâu hơn - Ảnh 1.

Ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bà Nguyễn Thị Tài, đại diện Hội Doanh nhân huyện Hoà Vang cho biết, mặc dù NHNN đã có văn bản hướng dẫn miễn/giảm lãi vay theo Thông tư 14, nhưng các ngân hàng thương mại chưa hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp điều kiện là gì. Đặc biệt là điều kiện miễn lãi vay như thế nào.

“Hiện nay, các ngân hàng có điều chỉnh giảm lãi vay tùy doanh nghiệp, giảm 0,5% đến 1%, tuy nhiên con số này là không đáng kể. Vẫn biết là COVID-19 ảnh hưởng chung đến tất cả các doanh nghiệp kể cả ngành ngân hàng, tuy nhiên, ngân hàng cùng doanh nghiệp dìu nhau vượt qua khó khăn, nên doanh nghiệp vỡ nợ thì ngân hàng cũng ảnh hưởng rất nhiều”, bà Tài cho hay.

Do đó, bà Tài đề xuất ngân hàng thương mại phải có thông tin cụ thể một số trường hợp đặc biệt phải giảm lãi vay ở một số tháng đặc biệt; NHNN phải cho mức trần lãi vay hợp lý để các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp căn cứ vào đó để biết doanh nghiệp mình đã được giảm lãi hợp lý chưa? Bên cạnh đó, có chính sách gia hạn thời gian trả lãi như: 1 quý trả lãi 1 lần thay vì trả lãi hàng tháng; gia hạn thời gian đáo hạn của các món vay là 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng thay vì 6, 9 tháng như hiện nay.

Doanh nghiệp Đà Nẵng mong giảm lãi suất sâu hơn - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Tài, đại diện Hội Doanh nhân huyện Hoà Vang.

Ngoài ra, đối với Ngân hàng chính sách xã hội, bà Tài cho biết, hiện đã có chính sách cụ thể là Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày01/7/2021 về vay không lãi suất cho doanh nghiệp nhưng mới chỉ cho vay trả lương cho người lao động có tham gia BHXH trong thời gian ngừng việc và trả lương phục vụ sản xuất với tổng thời gian không quá 3 tháng. Tuy nhiên, hồ sơ khá phức tạp, đòi hỏi phải là lao động tham gia BHXH, xác nhận của BHXH, phương án kinh doanh phục hồi sản xuất…. điều này gây cản trở lớn đến đối tượng thực sự cần hỗ trợ nhất, đó là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

“Chúng tôi mong muốn đơn giản hóa thủ tục về hồ sơ vay trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất cho cả người lao động có làm việc tại công ty nhưng chưa được tham gia BHXH. Tổng số tháng được vay nâng lên thành 6 tháng, thay vì 3 tháng như hiện nay. Ngoài ra, cần có chính sách về vay vốn từ Ngân hàng CSXH với mục đích tái đầu tư sản xuất như vay sửa chữa máy móc thiết bị lâu ngày, phục hồi khách hàng, đầu tư mua nguyên vật liệu mới…”, bà Tài đề xuất.

Doanh nghiệp Đà Nẵng mong giảm lãi suất sâu hơn - Ảnh 3.

Toàn cảnh Toạ đảm.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Đà Nẵng cho biết, từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, ngành ngân hàng TP. Đà Nẵng đã cơ cấu lại nợ với tổng dư nợ lũy kế là 12.368 tỷ đồng cho 6.344 khách hàng. Về miễn, giảm lãi, phí, tổng số tiền lãi đã giảm là 20,11 tỷ đồng cho 722 khách hàng. Tổng dư nợ được miễn, giảm lãi, phí là 6.080 tỷ đồng. Doanh số cho vay mới đạt 271.724 tỷ đồng với 6.995 khách hàng.

Kết quả miễn, giảm lãi, phí theo chủ trương của NHNN Việt Nam cho tất cả các đối tượng khách hàng trên địa bàn với tổng số lãi được miễn, giảm hơn 500 tỷ đồng. Với gần 30.000 khách hàng được miễn, giảm lãi. Tổng dư nợ được miễn, giảm lãi là gần 100.000 tỷ đồng. Số phí các loại được giảm (phí cho vay, phí chuyển tiền, phí khác…) khoảng 60 tỷ đồng.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Đà Nẵng đã giải ngân cho vay 7 doanh nghiệp với số tiền 1.113,28 triệu đồng, số lượt lao động được trả lương 284 người lao động, trong đó: 6 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc cho 250 lượt lao động với số tiền 980 triệu đồng và 1 doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh cho 34 lượt lao động với số tiền 133,28 triệu đồng. Ngân hàng cũng đang tiếp tục hướng dẫn 16 đơn vị sử dụng lao động với 3.515 lao động, số tiền dự kiến cho vay là 13.960 triệu đồng.

Ông Võ Minh cho biết, trong những tháng cuối năm 2021, ngành ngân hàng thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ vốn lưu động với các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề ưu tiên phục hồi sau dịch theo chủ trương của UBND thành phố. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo Thông tư 14 và chủ trương miễn, giảm lãi, phí đối với dư nợ cho vay hiện hữu, cho vay.

“Các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 14 có thể gửi phản ánh đến NHNN chi nhánh Đà Nẵng, chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để”, ông Võ Minh nói.

Doanh nghiệp Đà Nẵng mong giảm lãi suất sâu hơn - Ảnh 4.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng.

Tại buổi toạ đàm, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì hầu hết đều tạm dừng hoạt động trong thời gian thành phố áp dụng các biện pháp cao nhất để chống dịch.

“Thời gian qua, Đà Nẵng đã thành lập các tổ hỗ trợ doanh nghiệp cũng như ban hành các gói an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, thành phố đã hỗ trợ tiền thuê mặt bằng 6 tháng ở chợ cho các tiểu thương, hỗ trợ tiền nước tháng 8,9. Cùng với đó, thành phố tiếp tục kiến nghị hỗ trợ tiền điện, giãn tiến độ đầu tư, giãn thời gian thuê đất 1 năm cho các dự án đang triển khai”, ông Minh cho hay.

Để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong thời gian tới, ông Hồ Kỳ Minh đề nghị ngành ngân hàng, cần sớm nghiên cứu trình HĐND thành phố về chính sách cho vay của các lĩnh vực ưu tiên tại ngân hàng thương mại.

“Hiện nay, quỹ đầu tư phát triển thành phố cũng đã có văn bản xin ý kiến các cơ quan chức năng về việc mở rộng ngành nghề, gói vay lưu động cũng như kiến nghị NHNN sửa đổi thông tư 14 theo hướng kéo dài cơ cấu nợ. Những việc trong thẩm quyền của thành phố, chúng tôi sẽ giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thành phố sẽ tiếp tục báo cáo, kiến nghị Trung ương để tìm cách giải quyết”, ông Hồ Kỳ Minh nói.

Theo Thành Vân (Nhà đầu tư)

Tín dụng có tín hiệu tăng tốc trở lại

Tín dụng tại cuối tháng 3 tăng lên đạt 0,6%, từ mức 0,25% tính đến 25/3, và từ mức âm 1% của 2 tháng đầu năm. Tín hiệu "quay xe" để tăng nhu cầu hấp thụ vốn trở lại đang khó rõ.

Không để giá vàng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế

Vàng được xem là lớp tài sản phòng thủ nhưng nếu chúng ta mua vàng quá nhiều thì nền kinh tế sẽ giống như việc “đi ra cao tốc mà bị đạp phanh”, vì vậy cần có giải pháp ổn định từ các cơ quan quản lý.

Giải bài toán tăng trưởng tín dụng cách nào?

Để đối phó với khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng, cần nhiều giải pháp như hạ lãi suất cho vay, mở rộng cơ hội cho vay tín chấp, kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế...

Cần thời gian để ổn định thị trường vàng

Thị trường vàng là một mảnh ghép đặc biệt của thị trường tài chính, tiền tệ. Do nhu cầu quá lớn dẫn đến áp lực tương đối cao, nên chúng ta cần có thời gian để điều chỉnh.

Video