Vì sao giá vàng lao dốc không phanh?

Làn sóng bán tháo giá vàng diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường chứng khoán bùng nổ, chỉ số đồng USD hồi phục mạnh trên thị trường quốc tế.

Tối 30-3, giá vàng thế giới tiếp tục rơi thẳng đứng trên thị trường quốc tế. Lúc 20 giờ, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở mức 1.683 USD/ounce, bỏ xa ngưỡng cảm tâm lý 1.700 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đã lao dốc không phanh từ vùng 1.730 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm qua, rớt thẳng xuống về sát 1.680 USD/ounce, tương đương giá vàng "bốc hơi" 1,4 triệu đồng/lượng.

 Vì sao giá vàng lao dốc không phanh?  - Ảnh 1.

Giá vàng thế giới "bốc hơi" 50 USD/ounce trong ngày 30-3

Vì sao giá vàng lao dốc không phanh trong phiên giao dịch này?

Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh phân tích rằng yếu tố lớn nhất tác động đến giá vàng khiến kim loại quý này bị bán tháo và lao dốc là do đồng USD hồi phục mạnh trên thị trường quốc tế. Chỉ số đồng USD hiện đang ở mức 93,2 điểm, cao nhất kể từ gần cuối năm ngoái đến nay.

Chỉ trong vòng 1 tháng, chỉ số đồng USD đã tăng từ 90 lên hơn 93,2 điểm. Thông thường, một điểm biến động của chỉ số đồng USD sẽ tương ứng với sự biến động của các tài sản tài chính khác (trong đó có vàng) từ 2-4%. Và thực tế, giá vàng đã mất khoảng 3,8% trong vòng 1 tháng qua, khi rớt từ mức cao nhất khoảng 1.746 USD/ounce về 1.682 USD/ounce vào tối 30-3 (theo giờ Việt Nam).

"Ngay cả việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD cũng không làm suy yếu đồng USD, ngược lại chỉ số USD tiếp tục vượt mức cao nhất trong 1 tháng qua đã nhấn chìm giá vàng. Nhà đầu tư chuyển từ các tài sản an toàn như vàng sang những tài sản có độ rủi ro cao hơn nhằm đạt mức sinh lời nhiều hơn như chứng khoán, bất động sản. Bằng chứng là thị trường chứng khoán Mỹ cũng liên tục lập đỉnh mới" - ông Phan Dũng Khánh phân tích.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), cho rằng hiện các thông tin đều đang không ủng hộ giá vàng tăng. Ngưỡng cản tâm lý tiếp theo của giá vàng là khoảng 1.650 USD/ounce.

Trong ngắn hạn, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng giá vàng sẽ hồi phục nhưng xu hướng giảm tiếp tục trong trung dài hạn.

Chuyên gia vàng, TS Nguyễn Thế Hùng phân tích là giá vàng có thể về vùng 1.640 - 1.650 USD/ounce, nếu lãi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng, chứng khoán Mỹ vẫn lên mạnh lên và Fed vẫn chưa có động thái gì về việc cần can thiệp vào lãi suất trái phiếu. Khi đó, đồng USD tiếp tục mạnh lên sẽ gây áp lực giảm giá vàng.

Ở thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC cuối ngày được giao dịch quanh 54,45 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra 54,85 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới tới 7,8 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng SJC vẫn neo cao so với giá thế giới, theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, là do giá vàng trong nước - thế giới không liên thông, bởi từ lâu Ngân hàng Nhà nước không cấp phép dập vàng miếng SJC và những người nắm giữ vàng không bán ra.

Theo Thái Phương (Người lao động)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video