Vận dụng linh hoạt và hợp lý giải pháp kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng

Chiều nay (31/10), tại Hà Nội, Tổ Điều hành Thị trường trong nước đã tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 10. Thông tin bao quát cuộc họp tháng này là nỗ lực để kiểm soát mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức dưới 5% so với tháng 12/2015.

[caption id="attachment_39295" align="aligncenter" width="700"]CPI 10 tháng đã tăng 4% so với tháng 12/2015 CPI 10 tháng đã tăng 4% so với tháng 12/2015[/caption]

10 tháng, CPI tăng 4%

Ông Nguyễn Lộc An - Thường trực Tổ Điều hành Thị trường trong nước - cho hay, 10 tháng đầu năm, thị trường trong nước bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như mưa lũ miền Trung gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, do có sự hỗ trợ kịp thời và khẩn trương của cả nước, các hoạt động sản xuất và đời sống nhanh chóng được khôi phục.

Thị trường các mặt hàng may mặc, gia dụng tương đối sôi động với nhiều chương trình khuyến mại trong giai đoạn giao mùa. Thị trường các mặt hàng thiết yếu có một số biến động. Giá nhóm hàng năng lượng tiếp tục xu hướng tăng do ảnh hưởng của giá nhập khẩu; nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đường cũng tăng do tác động của thời tiết, mùa vụ, nguồn cung; các mặt hàng vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi giá ổn định hoặc giảm nhẹ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 10 đạt 295.350 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng may mặc và phương tiện đi lại. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.896.624 tỷ đồng, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, 3 nhóm có mức tăng trên mức tăng chung, gồm lương thực thực phẩm, lưu trú ăn uống và dịch vụ khác. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa 10 tháng chỉ tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 đã tăng 0,83% so với tháng 9, trong đó nhóm có mức tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế tăng 10,07% do đợt điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế của 15 tỉnh thành vào ngày 12/10 vừa qua; nhóm giao thông tăng 2,02% do tăng giá xăng dầu 2 đợt trong tháng 10; nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,61% do một số trường mới điều chỉnh tăng học phí vào tháng 10… Tính chung 10 tháng, CPI cả nước đã tăng 4% so với tháng 12/2015, trong đó 2 nhóm y tế và giáo dục vẫn là các nhóm có mức tăng cao nhất.

Bà Đỗ Thị Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê - cho biết, sau tháng 9, khi chỉ số CPI có mức tăng khá nhanh, nhận định rằng tình hình tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình sẽ tiếp tục tác động mạnh đến chỉ số CPI những tháng cuối năm, các Bộ, ngành đã có cuộc họp và thống nhất cần thận trọng trong việc điều chỉnh mức tăng dịch vụ y tế sao cho không gây sốc đến CPI. Do vậy, chỉ có 15 tỉnh, thành phố được điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế trong tháng 10 vừa qua và đợt tăng giá này chỉ đóng góp 0,5% vào CPI tháng 10, thay vì 0,8% như dự báo. Ngoài ra, mức tăng giá xăng dầu liên tiếp trong những tháng gần đây đã khiến CPI bị ảnh hưởng. Mặc dù có nhiều giải pháp kiềm chế nhưng do nhiều nhóm hàng cùng tăng giá, mức tăng CPI 10 tháng đã đạt con số 4%.

Vận dụng linh hoạt và hợp lý các giải pháp 

Ông Nguyễn Lộc An chia sẻ, dư địa CPI 2 tháng cuối năm chỉ còn 1%, trong khi thị trường còn chịu tác động của các yếu tố tăng CPI như: Giá xăng dầu thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng tăng; Phí dịch vụ y tế còn ít nhất 1 đợt điều chỉnh; Cuối năm, nhu cầu hàng hóa tăng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán, mùa cưới hỏi, liên hoan cuối năm… Cho nên để kiềm giữ CPI không tăng quá 5% như Chính phủ giao là không đơn giản.

Do đó, Tổ Điều hành Thị trường trong nước kiến nghị các giải pháp. Cụ thể, chuẩn bị vào dịp cuối năm, đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo đơn vị chức năng như Sở Công Thương, Sở Tài chính thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị về triển khai các nhiệm vụ nhằm bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán 2017 của các Bộ.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cần vận dụng các biện pháp, sử dụng linh hoạt và hợp lý các công cụ thuế, quỹ bình ổn trong điều hành giá xăng dầu nhằm hạn chế thấp nhất mức tăng giá trong 2 tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để có phương án điều chỉnh phí dịch vụ y tế hợp lý, tránh dồn mức tăng cao cho 2 tháng cuối năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường đường bán buôn, chỉ đạo các nhà máy tăng cung đường cho thị trường với giá bình ổn. Bộ Công Thương chỉ đạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã được cấp hạn ngạch theo hạn ngạch thuế quan khẩn trương nhập đủ lượng đường được giao để phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

Riêng với công tác thông tin tuyên truyền, các Bộ, ngành địa phương cần tiếp tục phối hợp tốt trong công tác thông tin thị trường nhằm hạn chế những thông tin thất thiệt, gây hoang mang cho người tiêu dùng ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh hàng hóa trong nước và gây bất ổn cho thị trường.

Theo Phương Lan Báo Công Thương

Tags:

Nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng tích cực

Nhiều chỉ số kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng tích cực nhưng so với kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thì chưa đạt như kỳ vọng.

Video