TPHCM tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp

Nhằm giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% trong năm 2023.

Ngày 31/1, trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, trong năm 2023, ngành ngân hàng tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Ông Lệnh nhấn mạnh, các chương trình tín dụng dành cho doanh nghiệp hiện nay là tiếp tục thực hiện tốt gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của Ngân hàng Trung ương nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tăng trưởng và phát triển trong năm 2023. Trong đó, có nhiều giải pháp cụ thể như kết nối ngân hàng doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên cơ sở phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề và đặc biệt là UBND các quận huyện trên địa bàn.

TPHCM tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tiếp tục gói hỗ trợ lãi suất 2% hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

“Trong quá trình này, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách; tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng tiêu dùng với gói lãi suất thấp (gói 20.000 tỷ đồng từ các công ty tài chính tiêu dùng đăng ký) nhằm đảm bảo góp phần thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và là giải pháp hữu hiệu để hạn chế tín dụng đen, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững” - ông Lệnh cho biết.

Theo ông Lệnh, năm 2023, với dự báo còn nhiều khó khăn thách và tiềm ẩn các yếu tố khó đoán định từ tình hình thế giới, việc giữ ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của năm: Ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình này, ổn định thị trường tiền tệ, sẽ là cơ sở nền tảng để thực hiện tốt các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Uyên Phương (Tiền Phong)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video