Tìm cách cứu du lịch Mũi Né
Kể từ sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24-10-1995, tiềm năng du lịch của vùng biển Mũi Né (Bình Thuận) tưởng đã được đánh thức. Thế nhưng, sau 23 năm, du lịch nơi đây vẫn giẫm chân tại chỗ.

Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Thuận, cũng phải ví von "biển một bên và rác một bên" khi nói về vấn nạn rác tại các bờ biển của tỉnh Bình Thuận. Bình Thuận hiện có 400 cơ sở du lịch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận hồ sơ môi trường. Hầu hết các cơ sở này đều nằm ở ven biển. Ông Thái thừa nhận tại các điểm, khu du lịch cộng đồng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ lẻ thường xuyên xảy ra cảnh rác thải, nước thải chưa được thu gom, xử lý triệt để. Các cơ sở du lịch nằm dọc đường Nguyễn Đình Chiểu, đường ĐT 719 và một số khu vực ven biển Hàm Tiến - Mũi Né chưa có hệ thống thoát nước nên xả nước thải trực tiếp ra biển.
Xử nghiêm hoạt động xả thải
Ông Võ Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), cho rằng bãi biển có đẹp tới đâu, nhà hàng ăn có ngon đến mức nào, khách sạn cao cấp bao nhiêu nhưng khách du lịch phải đi trên những bãi biển đầy rác thì điểm đến đó không thể là một điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Nạn rác thải và ô nhiễm môi trường ở Mũi Né hiện nay là do tình trạng rác đại dương tấp vào bờ hằng năm vào mùa gió nam; hệ thống nhà vệ sinh công cộng chưa có, chưa đủ chuẩn hoặc đã xuống cấp; các hoạt động chế biến hải sản trong khu dân cư của người dân gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường; hệ thống ống xả nước thải ra biển của các cơ sở kinh doanh du lịch không bảo đảm mỹ quan, gây tâm lý không thoải mái cho du khách.
[caption id="attachment_110696" align="aligncenter" width="500"]
Ông Thông cho rằng cần kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, chế biến hải sản vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xả thải ra môi trường biển. Ngoài ra, phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh du lịch và chế biến hải sản ở các khu vực gần những khu du lịch.
Theo ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, để giải quyết nạn rác thải, không chỉ riêng ngành du lịch mà cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trong cộng đồng nhằm huy động sự tham gia tích cực của người dân vào bảo vệ môi trường biển.
Khuyến khích áp dụng công nghệ xử lý ô nhiễm
Ông Đỗ Văn Thái nhận định cần khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch tiếp nhận và áp dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm, tái sử dụng và tái chế chất thải. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích, phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường du lịch, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư vào quá trình xem xét thẩm định môi trường dự án đầu tư liên quan đến hoạt động du lịch và giám sát các nguồn gây ô nhiễm môi trường du lịch.
Theo Thương Hoài Người Lao Động