Thêm nhiều thành viên được nới giới hạn tín dụng, ngành ngân hàng thêm dư địa tăng trưởng

Việc nhiều thành viên được nới tín dụng giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.

Thêm nhiều thành viên được nới giới hạn tín dụng, ngành ngân hàng thêm dư địa tăng trưởng

Nhiều thành viên tiếp tục được nới room tín dụng.

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng 9 tháng đầu năm 2021, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, sự hồi phục mạnh của kinh tế sau một thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh giúp hồi phục cầu tín dụng. Tuy nhiên, làn sóng dịch bệnh bắt đầu từ tháng 5/2021 đang ảnh hưởng không nhỏ đến TP. HCM và các tỉnh miền Nam, nơi đóng góp gần 50% GDP cho cả nước. Tín dụng trong quý 3/2021 chỉ đạt mức tăng trưởng 1% so với quý 2/2021 cho thấy phần nào ảnh hưởng của dịch bệnh đến nhu cầu tín dụng. 

Do đó, việc mở cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại cùng xu hướng ‘sống chung cùng COVID-19’ sẽ giúp phục hồi nhu cầu tín dụng trong quý 4/2021. BSC cho rằng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng cho nửa sau năm 2021, và việc mở cửa trở lại giúp dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 13% là có thể đạt được. 

Trong năm 2022, các chuyên gia cho rằng nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao 13%, được hỗ trợ bởi các yếu tố bao gồm việc tiếp tục hồi phục nền kinh tế sau dịch bệnh và gói hỗ trợ có thể lên đến 800 nghìn tỷ VND trong 2-3 năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. 

Cũng trong báo cáo, các chuyên gia cập nhật nhiều thông tin liên quan đến việc nới room tín dụng của các thành viên.

Theo đó, TPBank là nhà băng được nới tín dụng cao nhất lên 23,4%; ba ngân hàng khác được nơi lên trên 21% bao gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MB (21%). Trong khi đó, hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%. Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.

Theo đánh giá của BSC, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều nhà băng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.

Trong thời gian qua, các chuyên gia cho hay nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và doanh nghiệp lớn là hai nhóm khách hàng bị ảnh hưởng mạnh khi dịch bệnh quay trở lại. Hiện nay, hai nhóm khách hàng này đóng góp ở mức trung bình 75 - 80% cơ cấu cho vay của toàn ngành.

Riêng trong quý 3/2021, trong khi tốc độ cho vay cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh, cho vay SME và doanh nghiệp lớn đều chậm lại do giãn cách kéo dài khiến gián đoạn sản xuất kinh doanh. Do đó, BSC kỳ vọng việc mở cửa trở lại toàn quốc từ đầu quý 4/2021 sẽ giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp trở lại hoạt động, từ đó thúc đẩy tăng trưởng trong quý 4/2021 và năm 2022.

Trong khi đó, cơ cấu huy động đẩy mạnh tăng trưởng CASA. Đây là xu hướng chung trong thời gian tới của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí vốn trong năm 2021 và 2022. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ CASA cao (TCB, MBB, VCB, MSB) với tỷ lệ cao hơn 30% giúp cho các ngân hàng này có chi phí vốn thấp, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay. 

Dù vậy, dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam làm dấy lên lo ngại về việc giảm chất lượng tài sản. Theo các chuyên gia BSC, mặc dù có sự ảnh hưởng giảm chất lượng tài sản, với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay (với tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,6-1,7%). 

Một số ngân hàng cũng đã trích lập từ 30% - 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu hiện tại và dự kiến sẽ trích lập theo thông tư 03 trong thời gian tới. BSC cho rằng dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do TOI của ngân hàng tạo ra ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng, bên cạnh đó, dự kiến các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế.

Ngoài ra, tỷ lệ CAR Basel II tiếp tục được giữ ở mức cao, và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn. Các tỷ lệ đều đảm bảo tốt tỷ lệ yêu cầu của SBV, và điều này được kỳ vọng được giữ vững trong tương lai với các kế hoạch tăng vốn, từ đó giúp tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo Trần Thúy (BizLIVE)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video