Thâu tóm Toàn Mỹ và Trường Tuyền, Sơn Hà có sẵn sàng trở mình?
Sau sáp nhập Toàn Mỹ, Quốc tế Sơn Hà đặt kế hoạch lãi ròng 2018 là 150 tỷ đồng.
Mới đây, CTCP Quốc tế Sơn Hà (HoSE: SHI) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2017 nhằm thông qua phương án sáp nhập và phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần CTCP Sản xuất và Kinh doanh Toàn Mỹ.
Theo đó, SHI dự kiến phát hành thêm 18 triệu cp nhằm thực hiện hoán đổi cổ phần cho cổ đông hiện hữu của Toàn Mỹ. Tỷ lệ thực hiện là 1:2 (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần Toàn Mỹ tại thời điểm chốt quyền sẽ được đổi lấy 2 cổ phần SHI).
Còn trước đó vào tháng 6, Tập đoàn Sơn Hà cũng đã công bố chính thức hoàn tất thủ tục sở hữu thương hiệu bồn nước lâu đời nhất trên thị trường là Công ty TNHH Thương Mại và Công nghiệp Trường Tuyền.
Việc thâu tóm thương hiệu 2 thương hiệu inox gia dụng nổi tiếng là Toàn Mỹ và Trường Tuyền, đồng thời đẩy mạnh kế hoạch đầu tư trong năm 2017 có thật sự giúp cho Quốc tế Sơn Hà trở mình để phát triển mạnh mẽ?
Đẩy mạnh M&A, Sơn Hà hưởng lợi từ hệ thống phân phối và nhà máy có sẵn
Trong tháng 6/2017, thương hiệu bồn inox từ thời 1992 là Trường Tuyền đã chính thức về chung “một nhà” với Sơn Hà. Ngay sau khi sáp nhập vào Sơn Hà, Trường Tuyền được chuyển tên thành Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghiệp Trường Tuyền – công ty con thuộc Tập đoàn Sơn Hà.
Trường Tuyền là thương hiệu bồn nước có mặt sớm nhất trên thị trường, đặt nền móng cho những tên tuổi khác phát triển sau này. Việc sở hữu thương hiệu này sẽ mang lại nhiều lợi ích về mạng lưới cũng như giá trị thương hiệu cho Sơn Hà.
Còn về Toàn Mỹ, một trong những mục đích sáp nhập là nhằm mở rộng và phát triển thị trường phía Nam cho Sơn Hà, tận dụng lợi thế sẵn có về năng lực sản xuất, hệ thống phân phối và thương hiệu của Toàn Mỹ tại thị trường phía Nam.
Ngoài ra, việc sáp nhập sẽ còn tạo ra lợi thế kinh tế cho cả 2 đơn vị nhờ nâng cao quy mô sản xuất, thị phần cũng như mở rộng hệ thống phân phối các sản phẩm của Sơn Hà tại phía Nam.
Hiện nay hệ thống phân phối của Toàn Mỹ đã có hơn 20 chi nhánh, cửa hàng tại hầu hết các thành phố lớn trên cả nước và hơn 600 đại lý trên toàn quốc. Sản phẩm inox Toàn Mỹ còn được xuất khẩu qua nhiều nước khác như Na Uy, Thụy Sĩ, Úc, Nhật Bản….
Về hệ thống nhà máy, năm 1999 Toàn Mỹ xây dựng nhà máy Bình Dương 1 với quy mô 10.000 m2 và nhà máy Toàn Mỹ tại Hà Nội có quy mô 2.000 m2. Đến năm 2012, Công ty xây nhà máy Toàn Mỹ Miền Trung tại Quảng Nam với quy mô 20.000 m2. Còn năm 2014, Công ty xây dựng nhà máy Toàn Mỹ Miền Bắc tại Hải Dương có quy mô 23.000 m2.
Toàn Mỹ là doanh nghiệp lâu năm và có uy tín trong mảng sản xuất các sản phẩm thép không gỉ tại thị trường trong nước, hoạt động chủ yếu tại thị trường phía Nam. Hiện Toàn Mỹ đã vươn lên vị trí là Công ty hàng đầu trong ngành hàng inox gia dụng và sẽ là mắt xích phù hợp cho Sơn Hà Nam tiến.
Đẩy mạnh đầu tư và tập trung thị trường có thế mạnh
Không chỉ thâu tóm Toàn Mỹ và Trường Tuyền nhằm mở rộng hệ thống phân phối, thị phần; Sơn Hà cũng không ngừng đầu tư mở rộng mạng lưới, đổi mới sản phẩm và tập trung vào thị trường có thế mạnh.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, SHI xác định 2017 là năm đầu tư với nhiều dự án lớn như xây dựng mở rộng Sơn Hà Nghệ An (SHV) và hệ thống showroom, dự án nhà máy Bắc Ninh cho mảng gia dụng và nhà bếp, mở rộng đầu tư máy móc cho SPP (ngành ống) tại Phùng,…
Hiện SHI đang sở hữu 6 nhà máy là Nhà máy Diễn (Nhà máy số 1) tại Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Nhà máy Phùng (Nhà máy số 2) tại Đan Phượng, Hà Nội; Nhà máy Sơn Hà Sài Gòn (Nhà máy số 3) tại Hóc Môn, TPHCM; Nhà máy Sơn Hà Chu Lai (Nhà máy số 4) tại Quảng Nam; Nhà máy Sơn Hà Nghệ An (Nhà máy số 5) tại Nghệ An và Nhà máy Sơn Hà Bắc Ninh (Nhà máy số 6) tại Bắc Ninh.
Dự án Bắc Ninh được xem là một trong những dự án trọng điểm của Sơn Hà trong năm 2017. Nhà máy Bắc Ninh được xây dựng tại Khu công nghiệp Thuận Thành II, Bắc Ninh, do đó sẽ có lợi thế ưu đãi thuế cho doanh nghiệp mới thành lập.
Cũng từ tháng 8, Sơn Hà bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ Công ty TNHH MTV Thiết bị Gia dụng Sơn Hà Bắc Ninh. Đáng chú ý là đóng góp lợi nhuận của Công ty tại Bắc Ninh này vào Sơn Hà ngay tháng đầu tiên lại lớn nhất với 3,2 tỷ đồng trong tháng 8; các đơn vị khác chỉ đóng góp từ 0,7 tỷ đồng trở xuống.
Không chỉ đẩy mạnh đầu tư trong nước, mới đây HĐQT của Sơn Hà vừa quyết định điều chỉnh tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài và tiến độ dự án tại Myanmar.
Theo đó, SHI đã điều chỉnh tỷ lệ góp vốn từ 16,2 tỷ lên 18,9 tỷ đồng, tương đương với 87,5% vốn góp. Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên, Công ty cho biết chỉ đang nắm giữ 45% cổ phần cùng 1 đối tác Việt Nam khác chiếm 15%.
Theo thông báo mới nhất, đối tác CTCP thương hiệu vàng NCC sẽ góp 2,7 tỷ đồng với tỷ lệ 12,5% vốn góp. Dự án cũng bị điều chỉnh dời thời điểm khởi công từ tháng thứ 7 thành tháng thứ 15 kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối của Sơn Hà cũng đang mở rộng nhanh chóng. Theo kế hoạch năm 2017, Sơn Hà sẽ cho ra mắt 60 showroom. Giai đoạn 1 tính đến cuối tháng 4 đã có 20 showroom được hoàn thiện. Thời gian sau đó, SHI lại mở thêm 4 chi nhánh tại Bắc Kạn, Nam Định, Tuyên Quang và Sơn Tây.
Đối với thông tin bán Sơn Hà Sài Gòn (HoSE: SHA), SHI cho biết ông Lê Hoàng Hà (Phó Chủ tịch) sẽ tập trung thị trường phía Nam. Tương tự, SHI sẽ thoái khỏi Sơn Hà Sài Gòn để tập trung thị trường của mình.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, SHI đã thông qua đơn từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Lê Hoàng Hà nhằm tập trung phát triển thị trường mới tại Sài Gòn. Do đó, ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT sẽ kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc trong thời gian tìm kiếm nhân sự phù hợp.
Theo ông Sơn, ông Hà sẽ tập trung vào SHA – Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm kim loại cơ bản, để phát triển thị trường phía nam, từ Quảng Nam trở vào. Trong khi đó, SHI sẽ tập trung thị trường từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc. Việc phân công công việc sẽ giúp hoạt động SHI trở nên ổn định hơn, đảm bảo lợi ích cổ đông.
Sơn Hà Bắc Ninh bắt đầu đóng góp mạnh vào kết quả kinh doanh
Theo báo cáo hợp nhất năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt 113,3 tỷ đồng tăng 41,1% so với năm 2015. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 1.873 đồng/CP, tăng 7,9% do với năm 2015.
Đối với kế hoạch kinh doanh 2017, ĐHĐCĐ thường niên 2017 đã thống nhất doanh thu 2.500 tỷ, lợi nhuận sau thuế 115 tỷ đồng và cổ tức ở mức 10%; trong đó 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Qua 6 tháng đầu năm nay, SHI đã thực hiện được 1.491 tỷ doanh thu, mang về 48 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Riêng tháng 7 và 8, SHI ghi nhận doanh thu tăng mạnh đều đạt 300 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với tháng 5 (178 tỷ) và tháng 6 (170 tỷ).
Trong cơ cấu doanh thu, ngoại trừ doanh thu khác và doanh thu bán hàng nội bộ chiếm phần lớn, mảng sản phẩm bồn chứa nước inox đang là mảng đem về doanh thu cao nhất.
Về đóng góp của các Công ty con. Trong tháng 6 và tháng 7 đã có 5 đơn vị đóng góp lợi nhuận cho SHI so với 3 đơn vị như trước đó. Riêng tháng 8, có đến 8 công ty con đóng góp lợi nhuận cho SHI; trong đó đáng kể nhất là lần đầu tiên có mặt của Công ty TNHH MTV Thiết bị Gia dụng Sơn Hà Bắc Ninh nhưng đóng góp đến 3,2 tỷ lãi trước thuế; các đơn vị khác chỉ đóng góp từ 0,7 tỷ đồng trở xuống.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2018 sau khi thực hiện sáp nhập Toàn Mỹ, SHI đặt chỉ tiêu doanh thu 3.000 tỷ và lợi nhuận trước thuế là 150 tỷ đồng.
Về diễn biến giá cổ phiếu, SHI đã tăng được 12% trong 1 tháng vừa qua. Chốt phiên giao dịch 12/10 đứng ở 8.530 đồng/cp với khối lượng đột biến gần 2,5 triệu đơn vị được giao dịch.
Theo Huy Lê - NDH