Tăng trưởng tín dụng TP Hồ Chí Minh đạt 3,68% trong 8 tháng

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến 31/8/2020 ước đạt trên 2,38 triệu tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,68% so với cuối năm 2019 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số đó, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm tỷ trọng cao hơn khoảng 52% trong tổng tín dụng toàn địa bàn, ước tăng 4,31% so với cuối 2019; còn dư nợ tín dụng ngắn hạn tăng tăng khoảng 3%.

Số liệu thống kê cho thấy, con số 3,68% là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Ở thời điểm này trong 3 năm gần đây, tín dụng tăng tới 8,5 - 12,5%. Dù tăng trưởng tín dụng đạt thấp, song dòng tiền vẫn đang được bơm vào nền kinh tế ở các lĩnh vực quan trọng để góp phần thúc đẩy, khôi phục lại sản xuất trên địa bàn.

Đáng chú ý, chương trình tín dụng đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp có sự tăng trưởng khá cao. Tính đến cuối tháng 7/2020, dư nợ cho vay trong khu chế xuất - khu công nghiệp đạt 180.584 tỷ đồng với 3.740 khách hàng vay vốn, tăng 12,7% so với cuối năm trước.

Cũng trong 7 tháng, các tổ chức tín dụng đã cho 27 dự án vay trên 2.014 tỷ đồng theo chương trình kích cầu; đồng thời cho vay theo chương trình bình ổn thị trường đạt 617 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với 5 nhóm, ngành lĩnh vực ưu tiên đạt 176.266 tỷ đồng với 31.866 khách hàng vay vốn…

Liên quan đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN về miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp bị tác động bởi COVID-19, tính đến cuối tháng 7, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ cho 240.407 khách hàng với tổng dư nợ 583.157 tỷ đồng; trong đó, cho vay mới với lãi suất thấp lũy kế từ ngày 23/1/2020 là 51.218 khách hàng với doanh số đạt 387.481 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo phản ánh qua các sở ngành, quận huyện và hiệp hội doanh nghiệp gửi đến; đồng thời, tổ chức thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận vốn ngân hàng và các chính sách tín dụng, lãi suất thấp khác...

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và UBND thành phố.

Ngành ngân hàng chủ động theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng triển khai việc thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN; triển khai thực hiện các chương trình tín dụng theo kế hoạch để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp khôi phục, duy trì sản xuất kinh doanh…

Theo H.Chung (TTXVN/ Báo Tin tức)

Các chính sách đặc thù cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam: Phải đủ mạnh mới đủ sức hấp dẫn

Thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam hiện quy định 12 nhóm chính sách nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong TTTCQT trên các lĩnh vực, bảo đảm xây dựng và vận hành thành công Trung tâm trong bối cảnh đất nước đang tiến vào kỷ nguyên mới.

Giá vàng biến động: Việt Nam cần có lộ trình ứng phó chủ động

Cần nâng cao năng lực cho thị trường tài chính - ngân hàng, tạo thêm kênh đầu tư hấp dẫn, minh bạch; đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu: đầu tư vào sản xuất, vào hoạt động doanh nghiệp mới là con đường phát triển bền vững, ổn định, qua đó giảm bớt tình trạng “vàng hóa” trong dân.

Video