Tăng cường sử dụng chế phẩm thay thế thuốc kháng sinh trong chăn nuôi
Việc sử dụng các chế phẩm và biện pháp thay thế thuốc kháng sinh trong chăn nuôi hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá mới và giảm thiểu tình trạng kháng thuốc.
Việc lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh trong chăn nuôi nói chung và nuôi trồng thủy hải sản nói riêng gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe con người cũng như sức đề kháng của vật nuôi. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết việc sử dụng sai cách thuốc kháng sinh trong nông nghiệp góp phần đẩy nhanh sự phát triển các vi khuẩn kháng thuốc. Việc tiêu thụ các sản phẩm chứa tồn dư thuốc kháng sinh sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Kết quả là những loại thuốc mà chúng ta sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường dẫn trở nên kém hiệu quả và thậm chí là vô tác dụng. Ước tính trên thế giới mỗi năm có khoảng 700.000 ca tử vong liên quan đến kháng thuốc và con số này có thể tăng lên 10 triệu ca vào năm 2050. Bên cạnh đó, chất lượng thực phẩm trở nên không an toàn do tồn dư thuốc kháng sinh trong khi chi phí chữa bệnh vật nuôi tăng lên nhiều lần.
Trao đổi tại Hội thảo "Quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm” do Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN tổ chức, ông Nhữ Văn Thụ- Phó Tổng Giám Đốc BioSpring cho biết trong vòng 10 tháng đầu năm 2015, có tới 8.000 tấn thủy sản xuất khẩu bị trả về Việt Nam do bị phát hiện chứa dư lượng thuốc kháng sinh. Con số này thậm chí lên tới 24.000 tấn vào năm 2014.
[caption id="attachment_72291" align="aligncenter" width="700"]
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, các cơ quan chức năng cố gắng kiện toàn hệ thống chỉ đạo quản lý và kháng kháng sinh, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kháng sinh và kháng kháng sinh. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ hình thành kháng sinh cho bà con nông dân thông qua các phương tiện truyền thông cũng được chú trọng. Kinh phí của chương trình hành động quốc gia từ 3 nguồn bao gồm kinh phí trung ương, kinh phí địa phương và kinh phí từ các nguồn khác (bao gồm kinh phí của các tổ chức quốc tế như FAO, USAID, WHO, Ngân hàng thế giới).
Ông Thụ cho rằng để chiến đấu với tình trạng sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh trong chăn nuôi cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, tổ chức quốc tế, các viện khoa học, khu vực kinh tế tư nhân và người dân. Ông đề xuất một số biện pháp thay thế nhằm giảm thiểu dần việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Các biện pháp thay thế này hướng tới 3 mục tiêu chính là: chữa trị bệnh cho vật nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng.
[caption id="attachment_72290" align="aligncenter" width="700"]
Hiện có 3 nhóm biện pháp thay thế. Nhóm đầu tiên là biện pháp thay thế thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh trong đó có biện pháp sử dụng các loại lợi khuẩn (Probiotic) nhằm giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại. Theo ông Thụ cho biết, nhóm giải pháp này hiện vẫn còn đang trong quá trình phát triển nên vẫn chưa phát huy hết tác dụng.
Đối với nhóm giải pháp thay thế thuốc kháng sinh trong việc ngăn ngừa dịch bệnh, việc sử dụng lợi khuẩn cũng được chú trọng. Ngoài ra, các biện pháp quản lý trang trại, môi trường chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học cần được quan tâm hơn nữa nhằm phòng ngừa các loại vi khuẩn có hại xâm nhập.
Nhóm giải pháp cuối cùng liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng. Đối với nhóm này có rất nhiều biện pháp thay thế thuốc kháng sinh hiệu quả giúp vật nuôi sinh trưởng tốt như sử dụng lợi khuận, enzim có lợi, axit hữu cơ.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng một số thách thức trong việc sử dụng các biện pháp thay thế thuốc kháng sinh. Mặc dù trên thị trường hiện nay có một số chế phẩm và biện pháp giúp giảm thiểu sử dụng thuốc kháng sinh nhưng không có một sản phẩm nào có thể thay thế hoàn toàn do giá thuốc kháng sinh rẻ và tính hiệu quả trong việc phòng trị bệnh cao. Bên cạnh đó, các chế phẩm thay thế thuốc kháng sinh chủ yếu dùng để kích thích tăng trưởng và phòng bệnh chứ chưa áp dụng nhiều để trị bệnh.
Ông Thụ đề xuất các bên liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia. Bên cạnh đó nhiều công ty sẵn sàng đầu tư nghiên cứu và sản xuất chế phẩm thay thế thuốc kháng sinh bằng những công nghệ tiên tiến, an toàn với môi trường mặc dù vẫn còn nhiều thách thức và khoảng cách về quy định quản lý thị trường, vấn đề bản quyền...Ngoài ra, chính phủ cần có một số chính sách hộ trợ khuyến khích nghiên cứu và nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng chế phẩm, biện pháp thay thế thuốc kháng sinh.
Theo Đức Quỳnh - NDH