Sau nhiều năm "an phận sống tốt", Miliket thực sự đã ngấm đòn khi thị trường mì tôm bước vào giai đoạn khốc liệt
Miliket có mặt ở quá nhiều quán lẩu đến mức người dùng mặc định khi ăn lẩu là phải có Miliket cũng như Miliket giờ đây đã có một tên gọi mới – “Mì ăn lẩu”.
Tuy nhiên, Miliket hiện có lượng tiền mặt khá lớn, lên tới 122,3 tỷ đồng, chiếm tới hơn 60% lượng tài sản và số tiền này được duy trì trong nhiều năm. Như vậy, có vẻ như Cosula Miliket vẫn chưa đến mức “tuyệt vọng” trước tình hình kinh doanh hiện tại và cũng tạm thời không có kế hoạch gửi tiết kiệm số tiền này.
Vậy mỳ gói Miliket làm thế nào để tiếp tục âm thầm tồn tại trước những ông lớn như Acecook, Masan và Asia Food?
Đánh vào lợi thế “hồi ức”
Những năm 1980 của thế kỷ trước, mỳ ăn liền là một món ăn rất xa xỉ, giá trị 500 – 1.500 đồng ngày ấy là một số tiền không hề nhỏ. Chỉ một gói mì tôm cũng rất trân quý với nhiều đứa trẻ. Cảm giác sung sướng khi được thưởng thức một bát mì gói nóng hổi đổi vị bữa cơm hàng ngày là ký ức chung về một tuổi thơ vất vả của rất nhiều thế hệ người Việt.
Hơn 30 năm tồn tại, bao bì Miliket vẫn chỉ có… 2 con tôm. Nhiều người cho rằng, Miliket quá bảo thủ trong việc phát triển sản phẩm và thay đổi mẫu mã. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc giữ nguyên bao bì sản phẩm giúp Miliket khai thác thế mạnh ký ức quen thuộc ngày xưa, đánh vào giá trị tinh thần mà hiếm sản phẩm tiêu dùng nào có được.
Mì ăn liền Miliket hiện vẫn đi cùng với nhiều người tiêu dùng trung thành, nhất là các gia đình có nhiều thế hệ từ những năm cuối thế kỷ 20, bởi dù trên thị trường có rất nhiều sản phẩm mì ăn liền hiện đại hơn, nhưng những giá trị về tinh thần và thói quen sử dụng mì Miliket rất khó có thể thay đổi.
Song kiếm hợp bích với quán lẩu
Giá mì gói Miliket hiện nay được xem là thấp nhất thị trường, chỉ dao động từ 2.000 – 3.000 đồng/gói. Trong khi các công ty đối thủ liên tục nâng cấp sản phẩm, đầu tư mẫu mã và tăng giá mì ăn liền, Miliket lại đánh vào đối tượng người tiêu dùng ở tầng lớp thấp, lao động, đa số ở miền Tây và miền Nam. Phân khúc này đem tới lợi nhuận không cao nên những ông lớn còn chưa muốn chen chân vào.
Ngoài ra, thay vì đầu tư quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Miliket trực tiếp đem sản phẩm đến với người tiêu dùng qua Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, Hàng Việt về nông thôn, trực tiếp đưa sản phẩm thông qua chợ đầu mối, chợ bán lẻ và đại lý. Tổ chức đại lý của Miliket rộng khắp toàn, nguồn chủ yếu giúp Miliket tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, Miliket liên kết chặt chẽ với các nhà hàng, quán lẩu từ lớn đến bé. Không hẳn vì có giá rẻ, bản thân mì Miliket với sợi mì dai và hương vị đặc trưng rất hợp với món lẩu. Miliket có mặt ở quá nhiều quán lẩu đến mức người dùng mặc định khi ăn lẩu là phải có Miliket cũng như Miliket giờ đây đã có một tên gọi mới – “Mì ăn lẩu”.
Để cạnh tranh được bằng chiến lược chi phí thấp, Cosula – MILIKET đã tiết kiệm chi phí sản xuất đến mức tối. Việc thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất, tiết kiệm, giảm định mức tiêu hao nhiên liệu, tăng thu hồi thành phẩm đã giúp Miliket giảm được trung bình hơn 4 tỉ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, với quan điểm từ phía người lãnh đạo Cosalu – MILIKET, nhà máy hoạt động trên nguyên tắc “nhu cầu đến đâu, sản xuất đến đó. Tuyệt đối không để lại hàng thừa, hàng tồn kho”. Do vậy, Miliket vẫn còn âm thầm tồn tại đến ngày hôm nay.
Ngoài ra, Miliket cũng bắt đầu thử nghiệm những sản phẩm mới, năm 2015, Miliket cho ra mắt hai dòng sản phẩm mới có bao bì giấy kiếng là mì Lẩu Thái Tôm 65g và mì Lẩu Thái Tôm 75g. Cùng với đó là một số sản phẩm mới khác là phở ăn liền, miến ăn liền...
Như vậy, để tiếp tục tồn tại trước tình hình thị trường mỳ gói khó khăn như hiện tại, Miliket cần phải thay đổi và đầu tư hơn cho bán hàng, bởi đối với Miliket, dừng chân lúc này không khác gì hành vi “tự sát”.
Theo Trí thức trẻ