Sân bay Long Thành: Dứt điểm mặt bằng để khởi công sớm
Dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ triển khai tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu của dự án là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
[caption id="attachment_8717" align="aligncenter" width="700"]
Tuy nhiên, hiện nay phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn đang là vấn đề khiến chính quyền “đau đầu”. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ chính thức đề nghị tách ngay tiểu dự án bồi thường GPMB, và giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư; đồng thời cho tạm ứng vốn theo tiến độ GPMB để có thể đáp ứng kịp tiến độ triển khai dự án này.
Giải quyết dứt điểm khâu GPMB
Theo kế hoạch, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Quá trình đầu tư sẽ được chia làm 3 giai đoạn, theo đó giai đoạn I chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến được triển khai trên quy mô diện tích 5 nghìn ha. Số hộ dân bị thu hồi đất là 4.730 hộ với gần 15 nghìn nhân khẩu và 26 tổ chức, trong đó có 4.330 hộ bị giải tỏa trắng cần bố trí tái định cư. Bên cạnh đó, diện tích đất thu hồi triển khai giai đoạn I của dự án là 2.750 ha của 1.894 hộ và 12 tổ chức.
Tổng kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giai đoạn I là 11.266 tỷ đồng, trong đó tổng dự toán bồi thường, GPMB là 8.556 tỷ đồng, tổng kinh phí dự toán đầu tư xây dựng hạ tầng tái định cư là 2.710 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay khâu GPMB đang khiến UBND tỉnh Đồng Nai đau đầu vì theo quy định tại Luật Đầu tư công, đây là dự án quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư sau đó Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.
Trong khi đó, Luật Xây dựng quy định công tác thu hồi đất, GPMB, tái định cư là một phần của báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Nhưng xét theo Luật Đất đai, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cho phép tách tiểu dự án bồi thường, GPMB, tái định cư và bàn giao cho địa phương làm chủ đầu tư.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Đinh Quốc Thái khẳng định: “Nếu địa phương tiến hành thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định là chờ sau khi báo cáo khả thi giai đoạn I của dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (dự kiến sớm nhất vào giữa năm 2017), Đồng Nai sẽ không thể triển khai kịp công tác GPMB, tái định cư để bàn giao cho chủ đầu tư khởi công dự án theo dự kiến vào năm 2018”. Chính vì vậy, ngay bây giờ UBND tỉnh Đồng Nai cần đượccho phép thu hồi đất trước khi dự án sân bay Long Thành được phê duyệt.
Bao giờ khởi động?
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về giao thông, đặc biệt là giao thông hàng không. Hiện nay tiềm năng về vị trí địa lý mới chỉ được khai thác một phần, chủ yếu là phục vụ điều hành các chuyến bay quá cảnh trong khi đó việc tổ chức khai thác lợi thế về tạo lập các trung tâm trung chuyển hành khách, hàng hóa chưa thực hiện được.
Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay mặc dù có công suất 20 triệu lượt người mỗi năm. Tuy nhiên, với công suất như hiện nay thì hệ thống giao thông kết nối với sân bay vẫn thường xuyên bị quá tải. Bên cạnh đó, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, theo tính toán kinh phí cho việc này có thể lên đến hơn 9 tỷ USD. Ngoài ra, việc mở rộng sân bay hiện hữu sẽ tác động tới nhiều vấn đề như: ảnh hưởng đến môi trường do phải di dời - tái định cư nhiều hộ dân, ô nhiễm tiếng ồn và khí thải sẽ vượt xa tiêu chuẩn cho phép; việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị sẽ bị hạn chế bởi vấn đề tĩnh không, phễu bay… Đó là còn chưa tính đến các yếu tố liên quan quy hoạch, quản lý vùng trời của Bộ Quốc phòng…
Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia, đầu tư sân bay Long Thành là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay, vừa đảm bảo được chi phí, vừa đảm bảo được công suất phù hợp và luân chuyển hàng hóa thuận tiện…. “Thị trường hàng không Việt Nam đang thu hút các hãng hàng không thế giới. Việt Nam Airlines cùng các đối tác trong SkyTeam đang sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất làm căn cứ sửa chữa bảo dưỡng cũng như phát triển mạng đường bay của mình. Tuy nhiên, trong tương lai Tân Sơn Nhất không đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không, đặc biệt là các liên minh hãng hàng không toàn cầu”, ông Lại Xuân Thành, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ.
Trong khi đó, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gắn với tương lai của đất nước, mang tầm nhìn chiến lược. “Liệu Việt Nam có cạnh tranh được với Thái Lan và Singapore thì tôi không biết, quan trọng là có định cạnh tranh hay không ? Muốn vậy cần có một sân bay đáp ứng được các nhu cầu về vận chuyển hàng không, cái mà hiện nay chúng ta chưa có”.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam nói: “Việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi cảng hàng không quốc tế đang đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải, đặc biệt khả năng mở rộng Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng trong tương lai là không khả thi”.
Trung Thành