Rượu, bia, thuốc lá sẽ phải chịu thuế TTĐB cao?
Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt và sức khỏe cộng đồng” vừa được tổ chức ngày 4/4, đều đồng tình cho rằng việc tăng thuế với rượu bia và thuốc lá là cần thiết để tăng giá thành của các sản phẩm cần được hạn chế tiêu dùng này, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật liên quan.
Theo các chuyên gia, giá thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam hiện quá rẻ và thuế suất thuế TTĐB còn quá thấp so với mức kiến nghị của giới khoa học Y tế Công cộng. Với mức thuế suất thuế TTĐB của thuốc lá điếu tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB2014 (tăng từ 65% lên 70% từ 1/1/2016 và từ 70% lên 75% từ 1/1/2019) chỉ làm cho giá bán lẻ tăng được khoảng 2.9% tại thời điểm tăng thuế vào năm 2016 và 2.8% vào năm 2019; và chỉ ở mức dưới 1% trung bình cho cả giai đoạn 2015 đến 2020 sau khi đã trừ yếu tố lạm phát. Trong khi đó mức tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam ước tính trung bình là 5%/năm.
Điều đó cho thấy trong những năm tới giá (thực) của thuốc lá sẽ tiếp tục rẻ đi. Điều tương tự sẽ diễn ra với các sản phẩm rượu bia. Đó là điều đáng tiếc cho cả ngân sách và các mục tiêu y tế công cộng ở Việt Nam, vì nó không có tác động làm giảm xu hướng gia tăng tiêu dùng thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam.
Cần phải tăng thuế TTĐB với rượu bia và thuốc lá
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Hà Huy Tuấn cho biết: Thuế TTĐB hiện đóng góp khoảng 7% tổng thu ngân sách, trong đó thuế TTĐB rượu bia và thuốc lá chiếm tới 60% thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, việc tăng thuế TTĐB với rượu bia và thuốc lá một mặt giúp tăng thu ngân sách, điều này có ý nghĩa rất lớn nhất là trong bối cảnh hiện nay khi ngân sách Nhà nước đang bội chi và đang trong tình trạng phải vay nợ mới để trả nợ cũ.
Mặt khác, trong khi sử dụng thuốc lá và lạm dụng rượu bia đã và đang đem lại rất nhiều hệ lụy đến sức khỏe và xã hội, thì ở Việt Nam hiện nay lại đang tồn tại sự mất cân đối khi các sản phẩm gây hại đến người tiêu dùng như vậy thì có giá thành rất rẻ trong khi các sản phẩm thiết yếu và phục vụ cho những đối tượng rất nhạy cảm như là sữa cho người già, trẻ em, người ốm thì có giá thành lại rất cao.
“Việc tăng thuế với rượu bia và thuốc lá là cần thiết để tăng giá thành của các sản phẩm cần được hạn chế tiêu dùng này, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật liên quan” – TS. Lê Đăng Doanh khẳng định.
Thuế TTĐB ở Việt Nam ít ảnh hưởng đến buôn lậu
Ông Trần Tuấn Lâm – Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới ở Việt Nam cho biết: Vấn đề buôn lậu ở Việt Nam không liên quan nhiều đến thuế TTĐB bởi hầu hết những nhãn hiệu thuốc nhập lậu là những nhãn hiệu không được sản xuất trong nước (ví dụ Jet, Hero và Esse chiếm tới gần 90% thị phần thuốc lá lậu).
“Động lực buôn lậu với các sản phẩm thuốc lá ngoại không được sản xuất trong nước là rất lớn do hiện nay chúng ta vẫn giữ hàng rào thuế quan với các sản phẩm thuốc lá nhập khẩu rất cao (135%), ước tính 1 bao thuốc lá nhập khẩu có giá 10.000 VND thì bán ra 50.000 VND mới có lãi. Chính vì thế mà thuế tiêu thụ đặc biệt dù cao hay thấp thì thì buôn lậu vẫn xảy ra vì chúng ta không tạo điều kiện cho nhập khẩu một cách chính thống, nếu nhập khẩu đúng ngạch họ phải chịu mức thuế rất cao” – Ông Trần Tuấn Lâm nói.
Còn theo Bs. Phạm Thị Hoàng Anh, một bằng chứng khác cho thấy thuế TTĐB ở Việt Nam ít có khả năng ảnh hưởng đến buôn lậu do hành vi tiêu dùng thuốc lá lậu ở Việt Nam ít có liên quan đến giá. Giá thuốc lá lậu ở Việt Nam rất cao, giá trung bình của các nhãn thuốc lá nhập lậu cao hơn giá trung bình của thuốc lá sản xuất trong nước. Với những nhãn hiệu có cả sản phẩm nhập lậu và sản xuất trong nước như Malboro thì giá của những sản phẩm nhập lậu cũng cao hơn. Thay vào đó, gu hút hay “hương vị” mới là yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc lá lậu. Chính vì thế việc tăng thuế TTĐB làm tăng giá thuốc lá là động lực đẩy người tiêu dùng sử dụng thuốc lá lậu là khó có thể xảy ra.
Theo Enternews