Phản ứng của các nước về phán quyết PCA
Trước thái độ ngang ngược bất tuân thủ pháp luật quốc tế của Trung Quốc sau khi Tòa Thường trực Trọng tài (PCA) ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, nhiều quốc gia như Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng ủng hộ phán quyết.
[caption id="attachment_27096" align="aligncenter" width="700"]
Ngay sau khi PCA tuyên bố phán quyết không công nhận quyền lịch sử với vùng nước và tài nguyên ở Biển Đông của Trung Quốc, cũng như bác bỏ cơ sở pháp lý về “đường chín đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay của Philippines đã ra thông cáo bình luận về kết luận của tòa trọng tài.
Trong khuôn khổ bốn đoạn văn, ông này giải thích rằng các chuyên gia đang phân tích về phán quyết của Tòa Trọng tài và nêu lên sự quan ngại về việc thi hành “một cách miễn cưỡng và có kiềm chế” phán quyết được cho là “quyết định mang tính lịch sử”.
Chính phủ hiện tại của Philippines không là phải là người đã đưa hồ sơ ra Tòa Trọng tài ba năm rưỡi trước, hậu quả từ vụ xung đột tại bãi cạn Scarborough.
Sự lo lắng của ông Yasay là có căn cứ, khi lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là ông Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc không chấp nhận mọi quyết định của tòa quốc tế về Biển Đông.
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình phát biểu trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ở Bắc Kinh ngày 12/7. Báo chí Trung Quốc dẫn lời ông rằng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không bị ảnh hưởng vì phán quyết của tòa tại Hague.
Như vậy, có thể thấy rõ Trung Quốc đang làm điều mà nhiều nhà phân tích trước đó đã dự báo: đó là ngang nhiên phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài. Tuy nhiên, phán quyết của tòa cũng có những ý nghĩa to lớn của nó.
Paul Reicher, luật sư tư vấn chính cho Philippines nhận xét: “Đây là thắng lợi của nước nhỏ trước nước lớn. Đây là chuyện Trung Quốc chống lại toàn bộ các nước láng giềng chứ không chỉ Philippines. Các nước Việt Nam, Indonesia cũng thắng lợi hôm nay về mặt pháp lý.”
Vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông từ lâu đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia, bởi đây là vùng biển có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới đi qua. Nhiều nước từ lâu đã lên tiếng phản đối những hành động vô lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
Sau phán quyết, Nhật Bản tuyên bố phán quyết của tòa án ở Hague là mang tính chung cuộc, ràng buộc pháp lý, yêu cầu các bên liên quan tới vụ kiện thực hiện theo quyết định này.
Ngoại trưởng Fumio Kishida nói trong thông cáo rằng Nhật Bản đã luôn ủng hộ tầm quan trọng của luật pháp và việc sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay cưỡng chế trong giải quyết tranh chấp hàng hải.
Còn Mỹ, quốc gia đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải ở vùng biển này, cũng ngay lập tức ra thông cáo về phán quyết của tòa ở Hague.
“Phán quyết ngày hôm nay của Tòa án trong việc phân xử Philippines-Trung Quốc là một đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung về một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu các quyết định và không có bình luận về các giá trị của vụ kiện, nhưng một số nguyên tắc quan trọng đã được thể hiện rõ ràng ngay từ đầu vụ kiện này và có giá trị tái khẳng định,” bản thông cáo nêu rõ.
Thông cáo của Mỹ cũng nhấn mạnh tới Công ước về Luật Biển mà Trung Quốc cũng là một thành viên tham gia.
“Khi gia nhập Công ước Luật Biển, các bên nhất trí về quá trình giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước nhằm giải quyết các tranh chấp. Trong phán quyết của ngày hôm nay và trong phán quyết của Tòa án từ tháng 10 năm ngoái, Tòa án nhất trí phán quyết rằng Philippines đã hành động trong phạm vi quyền hạn của mình theo Công ước về khởi xướng sự phân xử này. Theo quy định trong Công ước, quyết định của Toà án là cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines. Mỹ bày tỏ hy vọng và kỳ vọng rằng cả hai bên sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình.”
Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền tránh các tuyên bố hoặc hành động khiêu khích. “Quyết định này có thể và nên là một cơ hội mới để làm mới những nỗ lực nhằm giải quyết các tranh chấp hàng hải một cách hòa bình,” thông cáo của Mỹ nhấn mạnh.
Theo BBC